Powered By Blogger





Thursday 15 November 2012

Kính mát, khẩu trang và ipod




Trên xe buýt 

Trên xe buýt Một bà cụ dắt theo đứa cháu nhỏ khoảng năm tuổi, chật vật bước lên xe. Bà đưa đôi mắt kèm nhèm nhìn quanh mong tìm một ghế trống. Chuyến xe vào giờ tan tầm, ngay cả chỗ đứng cũng khó tìm. Cô nhân viên soát vé bất bình lên tiếng: “Ai trẻ, khỏe nhường chỗ cho bà già, trẻ em giùm đi!”. Trên xe, những người không-còn-trẻ đồng loạt đảo mắt theo dõi hành động của những người “trẻ, khỏe”. Không hẹn mà mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía người thanh niên đang ngồi ở hàng ghế sát cửa lên xuống, gần chỗ bà cụ đứng. Người này che khẩu trang kín mít, tai đeo headphone, mắt lim dim, dường như không nghe thấy mọi chuyện xung quanh. Băng ghế sau, một cô sinh viên hích khuỷu tay vào hông bạn, thì thầm: “Mày trẻ hơn kìa, nhường đi!”. Cô bạn cười cợt: “Tao trẻ nhưng đâu có khỏe” rồi ung dung mở chiếc ipod ra nghe. Vài bạn trẻ ở những dãy ghế phía sau nhấp nhổm nhìn nhau. Có lẽ người này… chờ người kia “hành động” trước. Một người đàn ông tuổi đã vào hàng “chú, bác” đành đứng dậy mời bà cụ và đứa bé ngồi.


Trong giảng đường 

Thầy say sưa giảng bài, nhưng chỉ có khoảng một phần ba số sinh viên ngồi ở những dãy bàn đầu lắng nghe. Một số bạn khác cũng nghe nhưng tiếng được, tiếng mất. Số còn lại tụ tập ở cuối lớp để “tám” chuyện, ăn vụng, chơi game, hay nghe nhạc qua những chiếc iphone thế hệ mới. Việc nghe giảng đã có máy ghi âm… lo giùm. Ghi âm rồi, về nhà có nghe hay không lại là chuyện khác. Cuối khóa, chỉ cần quay cóp với vẻ mặt “trơ trơ” thì đố giám thị nào phát hiện. Phải chăng hành động và thái độ thiếu nghiêm túc ấy ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường đã vô tình để lại những di chứng về sau, như vấn nạn dùng bằng giả, hồ sơ gian dối?

Ở nhà

Vừa đi làm về, cô gái để nguyên kính mát, khẩu trang và tai nghe điện thoại, chạy ào lên phòng riêng. Cô chào mẹ thật nhanh, không kịp nhìn mẹ đang tối mặt tối mũi trong bếp. Mẹ cô nói vọng lên: “Mang đồ dơ xuống đây cho mẹ giặt”. Cô gái ừ hử, nhưng chỉ đem mớ quần áo đã “lên men” ấy xuống khi mẹ cô báo đã tới giờ ăn cơm.

Trong bữa ăn, mẹ cô kể chuyện giá cả leo thang, sáng cầm năm trăm ngàn đi chợ một nhoáng là cạn veo. Cô cắm cúi và cơm, chân mày nhíu lại, chán chường. Cha bàn chuyện thế sự, rút ra bài học cuộc sống mong manh, phải biết quý trọng những giá trị tinh thần. Cô hờ hững nghe cha mẹ nói, chỉ muốn ăn vội rồi đứng dậy trước. Rút vào “ốc đảo” của mình, gương mặt cô gái chỉ dãn ra nhẹ nhõm khi đeo lên tai chiếc headphone.

Ngoài phố 

Sáng chủ nhật, trước cổng một trung tâm ngoại ngữ quốc tế. Hết giờ học, các bạn thanh thiếu niên đứng lố nhố bên vệ đường, bạn nào cũng “nai nịt” gọn gàng: kính mát, khẩu trang, tai nghe ipod. Một người phụ nữ đến đón đứa con đang theo học lớp vỡ lòng nhưng không gặp, nhớn nhác tìm kiếm. Gặp học viên nào chị cũng níu lại, lắp bắp hỏi có thấy con chị không. Đa số các bạn trẻ lắc đầu, chẳng hề hỏi con chị tên gì, học lớp nào. Họ thờ ơ nhìn vẻ khổ sở của chị qua cặp kính mát, gương mặt thường xuyên che khẩu trang dường như cũng đã chai lì cảm xúc. Tiếng ồn ào của đường phố có lẽ vẫn không thể nhấn chìm tiếng cầu cứu của người mẹ, nếu như các bạn trẻ ấy chịu khó gỡ chiếc tai nghe ra.

Trong công viên 

Công viên buổi tối đầy ắp người đi dạo, ngắm cảnh hay tập luyện sức khỏe. Đa số những người tập thể dục buổi tối đều là người trẻ vì buổi sáng phải đi làm, khó lòng dậy sớm. Các bạn trẻ vừa chạy bộ vừa nghe ipod, trông năng động và hiện đại! Bỗng có một bác lớn tuổi, đang đi chợt loạng choạng như sắp té ngã. Người thanh niên chạy phía sau bác ấy tỏ vẻ bực bội vì bị chậm lại mấy nhịp. Tiến lên chạy vượt qua bác ấy, anh không buồn ngoái nhìn để thấy bác đang đưa tay chặn ngực ngăn cơn đau bất ngờ. Một nhóm ba cô gái vừa chạy tới, thấy bác quỵ xuống thì tránh qua một bên. Tiếng kêu cứu yếu ớt của người đàn ông lớn tuổi không thể lấn át tiếng nhạc từ chiếc ipod của họ nên họ không nghe thấy. Rốt cuộc những người đưa bác ấy đến bệnh viện kịp thời lại là những người cũng cao tuổi như bác.

Trong quán cà phê 

Buổi trưa, trên con đường quốc lộ nắng như đổ lửa, ai cũng muốn dừng chân chốc lát, tìm một chỗ mát mẻ, yên tĩnh nơi quán cà phê ven đường. Thế nhưng, trong góc quán có hai cặp nam nữ chiếm dụng mỗi cặp một chiếc võng, đánh đưa đủ trò “chim chuột” khiến những vị khách khác xốn mắt, chỉ muốn mau mau tiếp tục hành trình của mình. Các bạn trẻ ấy vô tư diễn cảnh yêu đương như ở phòng riêng, chụp hình, quay phim những “cảnh” ấy của nhau bằng điện thoại xịn rồi thi nhau “bình loạn”, mặc kệ những ánh mắt khó chịu xung quanh. Tính tiền xong, họ đeo khẩu trang, kính mát, headphone vào rồi rồ ga dương dương tự đắc phóng xe đi.

Thói quen “che đậy” bản thân ấy đã vô tình ngăn cách các bạn với người thân và thế giới xung quanh, lâu dần đưa đến hội chứng vô cảm khó trị khi cứ mãi “ba không”: không nhìn, không nghe, không nói. Các bạn ấy tự tin mình sành điệu, năng động và hiện đại tiến về phía trước, không ngờ đã đánh rơi lòng tự trọng ở sau lưng…

Thái An
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

1 comment:

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên