Powered By Blogger





Tuesday 10 June 2014

Dứt được không một " tình yêu đơn phương"?








Một bài báo mang tính xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của một nhà báo người Nga (không mấy nổi tiếng của một Hãng tin từng một thời thực sự là “quyền lực” của Liên Xô (cũ) nay đang mất dần người đọc và bị Chính phủ Nga đưa vào lộ trình giải thể) đã làm truyền thông Việt Nam dậy sóng. Phản ứng của truyền thông Việt Nam là hoàn toàn chính đáng. 


Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác chúng ta thấy rằng, rất nhiều người Việt nam chúng ta đang rất yêu nước Nga- một tình yêu âm ĩ, mãnh liệt, nhưng đơn phương. Tình yêu đơn phương này được truyền từ đời này qua đời khác, mặc cho có những biến đổi dữ dội của thời cuộc.

Tình yêu đó chẳng khác gì tình yêu trai-gái! Có lúc “cô gái Việt Nam” thùy mị, nết na, đoan trang, nhưng hồn nhiên và trong sáng tưởng như bị xiêu lòng bởi những “chàng trai Mỹ” mạnh mẽ, cường tráng, giàu có, nhưng lẵng lơ. Tuy nhiên chỉ đến khi “chàng trai Nga” đem lòng yêu “cô gái Trung Hoa” thì máu ghen của “cô gái Việt Nam” mới nổi cơn tam bành. Điều đó chứng tỏ Nàng còn yêu chàng lắm lắm!

Ghen là phải thôi. Bởi đã yêu chàng ngay từ khi mới biết yêu cơ mà.Trước đây đã từng có những thế hệ người Việt, nhất là ở miền Bắc, thực sự kính yêu ông Lenin, một người chưa bao giờ biết và nói gì đến xứ An Nam thuộc Pháp. Rồi ông Stalin, yêu lắm:

"...Yêu biết mấy, nghe con tập nói 
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin! 
Hôm qua loa gọi ngoài đồng 
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao 
Làng trên xóm dưới xôn xao 
Làm sao, Ông đã... làm sao, mất rồi! 
Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi! 
Hỡi ơi, Ông mất! Đất trời có không? 
Thương cha, thương mẹ, thương chồng 
Thương mình thương một, thương Ông thương mười 
Yêu con yêu nước yêu nòi 
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu! ...".

(Trích “Đời đời nhớ ông”- Tố Hữu-5/1953).

Với nhiều người Việt Nam, tình cảm với Nga từ nhiều năm qua được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ, bất chấp một thực tế là Việt Nam chưa bao giờ được Nga coi là một đối tác quan trọng ở châu Á. Thời Chiến tranh Lạnh, dù đầu tư vào chủ nghĩa cộng sản toàn cầu, Nga cũng chỉ “đến với” Việt Nam để cạnh tranh với Hoa Kỳ tại châu Á. Ngày nay, Lãnh đạo Nga đều cho rằng tại châu Á chỉ có ba nước mà Nga chú tâm nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2013 ông Putin có sang Việt Nam nhưng thực chất chuyến đi này đem lại nhiều lợi ích cụ thể cho Nga như các hợp đồng vũ khí tiền tỷ, hơn là một cái gì đó “sờ mó được” về sự hỗ trợ tinh thần, công nghệ, giáo dục cho Việt Nam.
Có một thực tế là từ khi Liên Xô sụp đổ, quân đội Nga – Việt chưa bao giờ diễn tập với nhau trong khi các đợt diễn tập quân sự trên bộ và trên biển chung của Nga và Trung Quốc xảy ra liên tục và ngày càng có tầm vóc lớn.

Rất có thể trong tâm trí người Nga, tình cảm của Việt Nam với họ thì cũng quý, nhưng về quyền lợi dân tộc thì Việt Nam cũng chỉ là một khách hàng mua súng đạn, tàu bay, tàu ngầm, chẳng có gì hơn Malaysia, Indonesia. Hai nước này cũng mua vũ khị́ của Nga rất nhiều và to hơn là Ấn Độ cũng có quan hệ quân sự chiều sâu với Nga. Điều quan trọng là từ lâu lắm rồi chúng ta không thấy các lãnh đạo Nga phát biểu gì công khai ủng hộ Việt Nam trên trường quốc tế.

Vì thế, đã đến lúc chúng cần đánh giá lại “mối tình đơn phương” này một cách cụ thể, tỉnh táo, bỏ sang một bên hoài niệm quá khứ hay ảo tưởng về tình “đồng chí” trong một thế giới đầy biến động để xác đinh lại đối tác chiến lược thực sự có lợi cho lợi ích dân tộc.


Bình Lê Thọ
Theo FB Bình Lê Thọ  




Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên