Powered By Blogger





Thursday 12 June 2014

Giáo sư, tiến sĩ giờ này anh ở đâu?






Trong lịch sử phát minh, sáng chế ở Việt Nam từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945) đến nay chắc ai ai cũng biết: về Nông nghiệp có Giáo sư Lương Định Của với phát minh tạo ra nhiều giống cây trồng với năng suất cao, Giáo sư Trần Đại Nghĩa là tên tuổi lớn trong lĩnh vực chế tạo vũ khí của Việt Nam, gắn liền với những sản phẩm nổi tiếng trong lịch sử  kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thường được gọi với cái tên “ông vua” vũ khí Việt Nam, về Y học có Giáo sư Đặng Văn Ngữ với việc sản xuất“nước lọc Penicillin” mà có đến 80% thương binh trở về đơn vị chiến đấu không bị cưa chân tay, Giáo sư Tôn Thất tùng với phương pháp mổ gan khô mang tên ông.

Gần đây nhất là vị giáo sư trẻ tuổi Ngô bảo Châu với công trình chứng minh "Bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu" do RobertLanglands và Diana Shelstad phỏng đoán.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, tính đến năm 2013 có khoảng 9.000 giáo sư và 24.300 tiến sĩ (chưa nói đến phó giáo sư, phó tiến sĩ, thạc sĩ). Vậy những giáo sư, tiến sĩ ấy họ đang ở đâu và đang làm gì?

Câu trả lời là: phần lớn họ nằm trong vị trí các quan chức.

Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản. (Đó là tiết lộ của TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc gia khi nói về sự kiện 8 chủ tịch Tỉnh bị Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm do báo cáo sai thiệt hại do thiên tai năm 2012).

Cách đây không lâu, Hà Nội công bố “chiến lược cán bộ công chức” với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. Theo đó, 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học,trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.

Lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp… trên danh thiếp hầu hết đều kèm hai chữ TS.

Và tiến sĩ cho dù có đang làm gì đi nữa, thì công tác nghiên cứu khoa học đối với họ chắc chắn không phải là việc trọng yếu. Bởi, hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ trong khu vực nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Chúng ta vẫn thiếu các công trình khoa học có tầm cỡ khu vực và ít các sáng chế.

Ta tự hào về chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa (mà hiện nay chỉ có người dân ở một số ít nước được hưởng là: Triều Tiên, Cu ba, Lào và Trung Quốc) mọi người đều bình đẳng. Nhưng thực chất thì người ta đang dựa theo chức quyền để phân chia đẳng cấp, quyền lợi,tất nhiên chức càng cao, bổng lộc càng lớn.

Lúc sống đã vậy, tận tới lúc chết chôn ở đâu cũng có tiêu chuẩn dựa theo chức tước.Vì thế cả xã hội đều trọng chức quyền. Mà muốn có chức quyền thì cần có bằng cấp, cộng thêm danh hiệu Đảng viên, là người ta có thể tiến thân, có thể trở thành lực lượng lãnh đạo với nhiều bổng lộc mà không cần phải có thực lực.

Đó là nguyên nhân sâu xa đã và đang dẫn đến việc nhiều kẻ cơ hội đổ xô đi săn bằng cấp bằng mọi giá. Đua bằng cấp, chức danh chứ không đua tài năng. Bởi đua tài năng, cuộc đua dưới ánh mặt trời, thì khó hơn nhiều, dễ lộ chân tướng và dễ bị thua. Bao nhiêu sức lực, thời gian và tiền bạc đáng ra để tập trung làm chuyên môn, làm nghề thì lại bị phung phí vào các cuộc đua tranh lấy bằng cấp.Nhìn vào con đường để trở thành thạc sỹ, tiến sỹ hiện nay ở nước ta đã bị biến chất. Nhiều người có lòng tự trọng không khỏi ngại ngùng thậm chí xấu hổ và muốn lánh xa.

Nói đến nguyên nhân vì sao như vậy thì rất nhiều, chủ quan có, khách quan có. Nhưng cái nguyên nhân chủ yếu vẫn chính là cái cơ chế “sính” học vị, “nặng” bằng cấp khiến cho cả guồng máy xã hội, nhà nhà, người người mệt mỏi điên cuồng chạy theo cái “danh ảo”… bằng mọi giá, bằng mọi cách có thể. Để rồi từ đó, lại tiếp tục lao vào công cuộc “kiếm quyền, kiếm tiền” mà bỏ quên mất điều cốt lõi cần có của khoa học là niềm đam mê được duy trì liên tục trong công việc tìm tòi nghiên cứu chuyên môn.

Lại nhớ,xưa khi mời ai đó lên diễn đàn phát biểu chỉ cần giới thiệu: “Kính mời anh A, chị B lên phát biểu”, thế là xong không màu mè chỉ vỏn vẹn có dăm  từ thôi, mà sao thân mật, ấm cúng và hiệu quả biết nhường nào. Nay lại khác, bởi có học hàm học vị thì lời mời lại phải theo công thức sau: Xin kính mời + chức danh + học vị + toàn bộ danh hiệu đã được phong + toàn bộ giải thưởng đã được tặng + toàn bộ chức vụ quản lý, chức vụ Đảng đang có + Ông (Bà) + họ tên đầy đủ + lên phát biểu. Có như thế mới bõ cái công đeo đuổi học hàm, học vị và cái quan trong là giải quyết được khâu oai.


Có một điều không bình thường là với một đội ngũ trên 9.000 giáo sư và phó giáo sư, và hàng trăm ngàn tiến sĩ và thạc sĩ mà không có bằng sáng chế đăng kí. Càng không bình thường khi chúng ta so sánh với Thái Lan(có ít giáo sư và tiến sĩ hơn ta) khi trong cùng thời gian 2000-2007 đã có đến 310 bằng sáng chế. Có thể nói rằng trong các nước Đông Nam Á (ngoại trừ Lào, Campuchia và Miến Điện) Việt Nam có số bằng sáng chế thấp nhất.

Trong khu vực Đông Nam Á, một đất nước nhỏ bé như Singapore với 4.8 triệu dân có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia với 161 bằng sáng chế, Thái Lan với 68 bằng sáng chế. Trong khi đó, Việt Nam không có bằng sáng chế nào đăng kí ở Mỹ trong năm 2011. (Thống kê trên iternet) 

Đất nước ta không thiếu những “hiện tượng” khoa học, không thiếu những con người đam mê sáng chế, đam mê khoa học thật thụ. Báo chí hàng ngày vẫn cần mẫn phát hiện ra những “hạt nhân” đầy khát khao ấy, nào là người sáng chế ra máy tuốt lúa, máy gặt, máy xay xát, máy tách hạt ngô, máy bóc lạc, bóc đỗ, sáng chế ra tàu ngầm, máy bay, ô tô, mô tô… Họ âm thầm hăng say làm điều mình yêu thích, vui buồn cùng với những lần thất bại hay thành công của chính bản thân mình. Trong số họ người có bằng cấp cao nhất là cử nhân, thợ máy, thậm chỉ là những nông dân “hai lúa” mày mò sáng tạo xuất phát từ thực tế lao động.

Nhưng, sự lao động trong sáng đầy ý nghĩa ấy lại gặp những “rào cản” không đáng có từ những người (chắc chắn có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ), đáng lẽ ra phải khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà sáng chế ấy. Mới đây, câu chuyện anh thợ máy Nguyễn Văn Thắng, người đang tự nghiên cứu chế tạo máy bay trực thăng, đã có một cuộc làm việc với… công an. Kết quả là anh Thắng phải ký vào một biên bản buộc anh phải dừng toàn bộ việc nghiên cứu, chế tạo máy bay trực thăng. Những cán bộ này còn yêu cầu anh Thắng dỡ bỏ động cơ khỏi máy bay, như vậy, ước mong sản xuất ra trực thăng “made in Việt Nam” của anh Thắng có thể đã tan tành mây khói?

Bản thân bằng cấp và chức danh chân chính, lương thiện thì rất có ích cho xã hội. Trước kia, số giáo sư, tiến sĩ ở ta không nhiều, nhưng đó là những tên tuổi như: Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, và những giáo sư đã nói ở phần đầu bài viết... Còn ngày nay thì đúng là “Ta tự hào đi lên. Ôi Việt Nam” học hàm, học vị nhiều đến mức có thể “ra ngõ gặp giáo sư, tiến sĩ”. Với thực trạng này thì nền khoa học kỹ thuật của nước nhà có nguy cơ trở thành hữu danh, vô thực.

Có ai đó từng nhận định “ở Việt Nam không thể có thiên tài”, hơi cực đoan nhưng không hẳn là không có lý. Hàng năm, sinh viên học sinh Việt Nam mang về không biết bao nhiêu là các loại huy chương quốc tế. Thế nhưng càng lớn thì những “ngôi sao sáng” đó càng “tối” hoặc “tắt hẳn” hoặc “rơi rụng” ở chân trời xa xôi nào đó.

Lịch sử khoa học cho thấy rằng các vĩ nhân, các nhà sáng chế thiên tài chưa hẳn đã phải là giáo sư, tiến sĩ, nhưng 100% những người xuất chúng ấy đều có một niềm đam mê thật thụ và liên tục với lĩnh vực mà họ quan tâm.

Mong rằng câu nói của ai đó: “ở Việt Nam không thể có thiên tài” là hoàn toàn sai lầm.

Lời kết bài viết này tôi xin mượn một câu Kiều của : Giáo sư, Nhà giáo ưu tú, Đông các đại học sĩ, Cần chánh điện học sĩ, Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới (xin Tố Như tiên sinh bỏ lỗi cho con vì sự xúc phạm này) :

“Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”

Chữ “Con đen” ở đây được hiểu là những người dân bình thường như tôi.


Ba Tê
Theo FB Ba Tê 





Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên