Powered By Blogger





Tuesday 20 May 2014

Bàn về chiến lược phòng thủ








Những ngày Biển Đông sóng vỗ cuồn cuộn, Phương bắc cắm vào dân tộc ta một mũi khoan, một lời tuyên chiến nhẹ nhàng. 


Ngay từ đầu ta chọn chiến lược phòng thủ, bởi nó là sách lược phù hợp nhất cả vào lúc này và ngàn năm trước. Bởi ta cảm thấy luôn nhỏ bé trước người hàng xóm Phương bắc, cũng có thể ta khiêm nhường, có thể ta yêu chuộng hoà bình, một dân tộc bình thường rất ít tự tin nhưng thường bị trui rèn trong gian khổ và lúc ấy mới quật khởi, bất khuất. 

Vì thế phòng thủ của ta thuộc dạng bậc thày. Thường phòng thủ sẽ là biện pháp lựa chọn của bên có tương quan lực lượng yếu hơn về các phương diện. Phòng thủ là một nghệ thuật và luôn đứng trước một mối đe doạ của sự tồn vong. Chính vì thế nó phải được tính toán cẩn thận và hạn chế sai lầm một cách tuyệt đối. So với tấn công, phòng thủ gần như không hề có lối thoái lui, đây có vẻ xem như một sự nguy hiểm nhưng nó mang lại cho ta lòng can đảm, một năng lượng vô hình từ một ý chí sinh tồn cực đại. Chẳng thế mà binh thư cổ luôn quan niệm rằng phải hết sức cẩn thận khi dồn kẻ thù vào đường cùng, trong các trận chiến thường nếu không nắm chắc sự chiến thắng tuyệt đối thì luôn luôn phải chừa cho đối thủ một con đường thoát, chỉ để tiêu diệt vào lúc thuận lợi hơn hoặc để kẻ thù tự lụi tàn qua khe cửa hẹp thoát thân đó. Việc bít đường thoát thân của kẻ thù đồng nghĩa với việc phải chấp nhận một rủi ro lớn nhất. Đó là tương quan giữa việc phòng thủ và tấn công trong đối đầu. Nhưng phòng thủ có nhiều cách không phải chờ đến lúc kẻ thù tràn qua biên giới mới vững tay chống trả. Phòng thủ ở một nghĩa rộng và đặc biệt theo theo quan điểm hiện đại là không ngồi chờ kẻ thù đến mới triển khai hay để đối đầu trực tiếp. Phòng thủ có thể có nhiều biện pháp có thể đối đầu trực tiếp, có thể dùng nhu thắng cương. Cũng có thể tạo ra các vành đai bảo vệ hữu hình và vô hình để tạo ra những lớp vỏ bao bọc lấy lợi ích cốt lõi. Phòng thủ có thể khái quát thành hoá thành 2 cảnh giới: Vô hình và hữu hình. 


1- Phòng thủ vô hình bao gồm ngoại giao và thể hiện sức mạnh nội tại ra bên ngoài một cách khôn khéo, thiên nhiên cũng vậy luôn có cách để các sinh vật cảnh báo sự nguy hiểm của mình nếu kẻ thù động đến. Ngoại giao liên kết tạo ra một sự vay mượn sức mạnh từ xung quanh và trải mặt trận rộng lớn hơn nhằm làm cho kẻ thù đối phó một cách khó khăn hoặc e ngại trước khi tính chuyện tấn công. Sự kỳ diệu là biện pháp này cũng có thể xem là tấn công chinh phạt. Binh pháp Tôn tử rất đề cao biện pháp dụng binh theo kiểu này nhưng theo thiên hướng tấn công. Bởi Tôn tử quan điểm rằng việc dụng binh thượng sách là không xuất binh mà dành chiến thắng. (thiên mưu công trong Tôn tử có nói rằng: Đại phàm cái phép dụng binh, làm cho cả nước địch khuất phục trọn vẹn là thượng sách, đánh nó là kém hơn. …. Thế nên bách chiến bách thắng cũng chưa phải cách sáng suốt trong sự sáng suốt. Không cần đánh mà làm kẻ địch khuất phục mới gọi là sáng suốt nhất trong sự sáng suốt. Cho nên thượng sách trong việc dùng binh là lấy mưu lược để thắng địch, kế đó là thắng địch bằng ngoại giao, kế nữa là dùng binh thắng địch, hạ sách là tấn công thành trì.”…) Chiến lược vành đai phòng thủ vô hình là một chiến lược thông minh và cao hơn cả. Với chiến lược này, ta có thể nắm được thế chủ động, có được nhiều phương án đáp ứng hiệu quả hơn. Chiến lược này trả giá về sinh mạng và vật chất ít hơn hết. Thế nên kẻ làm chính trị và cầm quân khôn ngoan thường không bỏ qua nó. Trong lịch sử của ta, cũng có những trường hợp ta áp dụng phòng thủ từ xa, nhưng chủ yếu là việc hoà hoãn, mềm dẻo với phương Bắc, mặc dù có những lần giao chiến ta thắng to như sấm dậy. Đôi khi với các nước bé hơn ta lại dùng cách phòng thủ vô hình để làm phương án tấn công như việc kết thân cùng các nước phía nam như ở thời Trần, quan hệ tốt với các nước như Nhật Bản, Hoà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp, Thái Lan thời kỳ đầu nhà Nguyễn… 

2- Phòng thủ hữu hình là tạo ra các vành đai chiến trường có sự hiện diện của sức mạnh quân sự. Có hai cách thức phòng thủ hữu hình: phòng thủ từ xa và tử thủ. 

a- Phòng thủ từ xa bằng địa hình, vũ khí, chiến trường. Phòng thủ từ xa là lớp phòng thủ ở ngoài xa biên ải, xa trung tâm thủ đô của một quốc gia, chọn địa thế làm chiến trường tỷ thí. Sách lược phòng thủ từ xa được các Tướng nước ta áp dụng nhiều, hầu như suốt chiều dài sử nước nhà đều áp dụng Ngô Quyền chặn đánh Nam Hán tại Bạch Đằng, cọc gỗ đã chôn vùi Phương Bắc. Các trận của Trần Hưng Đạo chôn vùi quân Mông Nguyên trên các tuyến rừng núi Tây Bắc và cửa sông với đường thuỷ Lý Thường Kiệt sử dụng một cách kỳ diệu nhất, đó là một triết lý “ngồi đợi địch đến ko bằng đánh phá địch trước”. Xem ra cách phòng thủ từ xa của tướng họ Lý quả cao tay và biến hoá sang một cảnh giới cao hơn, tấn công để phòng thủ, và trận địa phòng thủ được đưa sang tận đất của đối phương. 

b- Tử thủ là việc đợi kẻ thù đến tận quốc gia, hoặc thành luỹ của mình mới ra đòn chống trả. Đây đã có thể là bước cuối cùng của cuộc chiến, thông thường việc giữ thành sẽ thật sự khó khăn và bế tắc, không đặng đừng mới để việc này diễn ra, thường là nơi cuối cùng của một cuộc chiến. Lịch sử đã cho thấy nhiều cuộc chiến kẻ công thành với sức mạnh người đông sẽ luôn dành chiến thắng nếu không xuất hiện các yếu tố như viện binh hoặc chuyện nội bộ. Tuy cả hai đều thiệt hại nặng nề nhưng kẻ vây thành thường chủ động hơn, có nhiều biện pháp tấn công hơn, có nhiều kế sách và phương án tấn công, kẻ bị vây luôn ở thế bị động, chỉ có linh hoạt chống trả và tuỳ biến mà động thì mới mong dành được lợi thế. Tử thủ trong lịch sử nước ta là thường xuyên, thành công cũng nhiều và thất bại cũng không ít. Thành công có các trận đánh của Lê Lợi lúc khởi nghĩa, hoặc mới nhất là 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội. Tử thủ khốc liệt nhất và hùng tráng nhất thuộc về Mạc Tư Khoa trong cuộc đọ sức với Napoleon và Đức Quốc Xã. Thất bại điển hình nhất của tử thủ ở ta là của Hồ quý Ly truớc Quân Minh trong những trận cuối cùng. Trước đó Hai Bà Trưng cũng đã tuẫn tiết vì không thể tử thủ một cách thành công trong giai đoạn cuối của cuộc chiến phương bắc mặc dù đã dành chiến thắng trước đó một thời gian. Nói xa hơn là cuộc chiến bi tráng nhất, kinh điển nhất trong lịch sử cổ đại đó là tử thủ Thành Troy hơn 10 năm trời đứng vững và cuối cùng cũng gục ngã dưới chân con ngựa gỗ. Xét ra việc tử thủ đã là biện pháp lựa chọn cuối cùng, vô cùng nguy hiểm và chẳng đặng đừng. - 



CHIẾN THUẬT NÀO CHO TA TẠI BIỂN ĐÔNG (!!!???) Tình hình biển đông và điều kiện hiện nay đặt ta vào thế phòng thủ trước thế tấn công của Phương Bắc. Trung Quốc đã ngang nhiên đặt doanh trại tại cửa ngõ biển đông, không tấn công trực tiếp nhưng nó là hành đông khiêu khích và vi phạm chủ quyền một cách trắng trợn, vi phạm và xem thường luật pháp quốc tế nói theo dân gian gọi là xấc láo ngang ngược. . Phương Bắc đang dồn ta vào tử địa và họ phải biết điều này một cách rõ nhất bởi không một kẻ cầm quyền nào ở Bắc Kinh hiện nay không thuộc làu binh thư và mưu lược bậc thày, nhưng ở thế cực mạnh họ vẫn triển khai. Khoan hãy nói đến việc động cơ để họ ra nước cờ này. Ta nói đến hiện trạng. Chiến lược phòng thủ của ta không nằm ở chiến lược Phòng thủ vô hình, hoặc là phòng tuyến vô hình của ta quá yếu. Cứ xét thực tế mà thấy rõ: Việc ngoại giao liên kết của ta lỏng lẻo, chưa thật sự liên minh với một đối tác nào đán tin cậy. Về thực lực vũ khí và lực lượng chưa làm cho đối thủ thấy e ngại, chưa khôn khéo thể hiện sưc mạnh tiềm ẩn của ta để kẻ thù dè chừng e ngại. Nghĩa là trước đây ta đã bỏ qua sách lược phòng thủ vô hình. Đây là một sai lầm có hệ thống của ta từ trước. Đến hiện tại, nước đến chân mới nhảy, thôi thì nhảy còn hơn ngập trong nước. Tạo ra một phòng tuyến vô hình là một bước đi chậm trễ nhưng nó vẫn hết sức cần thiết và chưa quá muộn. Điều ta đang làm và nên làm - 

(1) BÔI TRO TRÁT TRẤU: Xem cách ta bắt đầu dùng sức mạnh truyền thông thì thấy rõ, đó là bước đi khôn ngoan của ta. Ta đang dùng nhu chế cương, nhìn ngoài có vẻ hèn kém và yếu đuối nhưng nó rất phù hợp vào lúc này: Tạm thời ta kìm chế trước khiêu khích, điều đó hoàn toàn đúng đắn, điều này theo chiến tranh quy ước, rõ ràng ta nắm chính nghĩa, đeo cho Trung quốc một cái mặt nạ vô cùng xấu xa như đúng bản chất của nó. Nói cho văn vẻ hơn ta nắm lấy chính nghĩa và đẩy cho Phương bắc nắm chiến tranh phi nghĩa- điều này rất có lợi cho mặt trận truyền thông và tuyên truyền sau này. Tranh thủ ta sẽ dùng luật pháp quốc tế để mang lại lợi thế cho mình, để công luận và luật pháp kết án hành vi của chúng Nước cờ này được đánh giá cao tay và sắc sảo. - 

(2) ONG BÂU CÀNH DÂU - Vành Đai Khu Vực ASEAN (!): Đánh thẳng vào dư luận trong nước và quốc tế, lôi kéo khu vực, chia sẻ sức ép theo nguyên tắc vật lý, nếu lực tập trung vào một điểm thì áp lực rất lớn, hậu quả xảy ra sẽ hết sức nghiêm trọng, khi bề mặt tiếp xúc nhiều có nghĩa là sức ép trên mỗi đơn vị sẽ giảm, ta vận dụng tốt khả năng này thì sẽ thuận tiện cho việc hoá giải tình hình này Ta dùng hội nghị Asean để truyền tin và tìm kiếm sự ủng hộ, một nước đi cũng khá hay, nhưng chưa đạt được như mong muốn, chỉ là một tuyên bố chung “ quan ngại” thì chẳng thể hiểu là đó là Asean đã đứng về phía ta một cách mạnh mẽ. Báo chí của ta khá lạc quan với việc này, nhưng xem ra chưa phải là vậy, lời kêu gọi của ta ở hội nghị cũng chỉ là việc mượn cái micro của làng xóm thông báo vài câu rất nghiêm trọng thôi. Ta chưa thấy việc đàm phán song phương hoặc đa phương một cách tích cực trong khu vực. Trong chiến tranh truyền thống cổ đại, chỉ cần một thuyết khách giỏi cũng có thể xoay chuyển tình thế, Trong thời kỳ Hán Sở tranh hùng nhìn Trương Lương làm thuyết khách với các nước để ta rút ra một bài học, tại sao các nước ASEAN chưa đồng thuận chống lại Trung Quốc, có thể vì lợi ích của Trung Quốc mang lại rất lớn. Thời Hán - Sở quyền lực và lợi ích của Nước Sở cho với các chư hầu là rất lớn, có khi gần như là tuyệt đối, thế mà Trương Lương dùng ba tấc lưỡi để thu phục nhân tâm các nước về với Hán Vương Lưu Bang. Cũng không hẳn vì những lời nói suông, mà là TrươngLương đã thể hiện cho các nước lân bang thấy được lợi ích lâu dài, thấy được mối nguy hiểm cận kề giống như đả thông tư tưởng để hướng các nước về phía lập trường cảnh giác và tin tưởng điều đang diễn ra. Ta chưa làm được điều này, ta cần một thuyết khách có đủ tầm để đảm đương việc quan trọng này. - 

(3) MƯỢN OAI HÙM: Hy vọng vào một cường quốc hiện tại là một điều mong manh, không một cường quốc nào thật sự quan tâm vì chưa bao giờ ta cùng lợi ích với họ, chẳng ai muốn dính vào rắc rối mà không kiếm được lợi ích về phía mình cả, nhưng ít ra phải tìm kiếm sự ủng hộ từ phía các cường quốc, dù chỉ là lời phát biểu mang tính ngoại giao nhưng như thế cũng có chút nhiều ích lợi cho ta trong việc giải quyết vấn đề này. Xét về thế cục hiện tại Chỉ có Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Ấn Độ là phù hợp nhất vào lúc này. Nga Mỹ chỉ để tham khảo (!) -


 (4) SỰ CÔ ĐƠN GIẰNG XÉ Ta dùng chính sự đúng đắn của mình để kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế cũng quan trọng như kêu gọi sự phản đối từ nội bộ nước chúng. Cô lập hoá chúng khiến chúng như một kẻ cô đơn trong tình yêu. Đẩy chiến trường về phía chúng vào trong lòng chúng, đưa hòn than cháy rực lên bàn tay của chúng, kích hoạt mạnh xu hướng “ly- hợp – ly” là đó là yếu huyệt ngàn đời của chúng. Nếu vận dụng được chiến thuật này có thể mang lại hiệu quả bất ngờ Chính Mỹ đã áp dụng trong chính sách này để phá vỡ hệ thống Liên Xô, thành công mỹ mãn. - 


(5) MÁU NHUỘM BIỂN ĐÔNG Phòng tuyến vô hình đã triển khai tốt thì lo gì phòng tuyến hữu hình không đứng vững. Khi đến nước cuối ta buộc dùng đến chiến lược phòng thủ hữu hình khi tranh chấp leo thang đến đụng độ quân sự. Triển khai thế này có thể ta chưa làm tốt các chiến thuật trên hoặc kẻ thù quá manh động. Tuy đó là thất sách nhưng không còn sự lựa chọn. Nhưng theo thế cục hiện tại, Trung Quốc chưa thể dồn ta vào thế tử thủ. Vấn đề của ta là làm sao cho triển khai chiến thuạt nào thì cũng phải làm cho việc tổn thất thấp nhất mà ngăn cản và đuổi chúng ra khỏi bờ cõi. Tự vận động sử dụng khả năng của chính mình là một việc phải làm, là phương án không thể không có lúc này. Nó là yếu tố sống còn của dân tộc. Truyền thông trong nước dậy sóng cũng nóng không thua gì tình hình tại mặt nước biển đông, hơn lúc nào hết dân tộc ta thể hiện sự đoàn kết đến thế, mọi sự chia rẽ về tư tưởng, quan điểm và ý thức hệ được gác sang một bên, chỉ còn lợi ích dân tộc đặt lên hàng đầu. Vô tình Trung quốc đã đánh thức được ý thức dân tộc từng tồn tại và khởi phát nhiều lần trong con người Việt. Ta phải rơi nước mắt khi thấy các em học sinh sinh viên, các thanh niên nam nữ, vợ chồng trẻ bế đứa con thơ, bà cụ già chống gậy, người bán xe nước đẩy… tất cả xuống đường cầm khẩu hiệu phản đối sự xâm phạm của Trung quốc. Chúng sẽ thấy rằng mai đây nếu tình hình có xấu đi thì những con người này sẽ tự nguyện sát cánh hăm hở chiến đấu theo khả năng và cách thức của mình để gìn giữ máu thịt non sông nước Việt. Sự đồng nhất của cả dân tộc là một sức mạnh đang lớn dần, tiền nhân từng nói “ Đánh không sợ, chỉ sợ lòng dân không theo” giờ thì ta còn gì để sợ, nếu buộc ta phải động binh. Với truyền thống bất khuất, ta phải tin tưởng rằng ta sẽ dành chiến thắng cuối cùng như ta từng nhiều lần trong bản thiên hùng ca 4.000 năm, sẽ có đau thương, chia lìa, máu tuôn chảy và những sự hy sinh vĩ đại, nhưng tổ quốc là linh thiêng bất khả xâm phạm. 

Saigon- tháng 5 cuộn sóng 


Chuyên gia quân sự nghiệp dư: Mr. Jonh

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhằm công kích xuyên tạc bất kỳ một tổ chức cá nhân nào)





Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên