Powered By Blogger





Thursday 19 September 2013

Tiền bạc có gì xấu?!!!







Ngày càng có nhiều người trẻ thể hiện quan điểm của mình về sự ham muốn tiền bạc và giàu có như các bài báo gần đây đăng tải. Người nghiêm khắc thì nghĩ nó xuất phát từ lòng tham vẫn thường gọi là vô đáy. Quan điểm này đã được hình thành từ rất lâu, đặc biệt là ở phương đông, trong giáo lý nhà Phật và ngay cả trong Thánh Kinh cũng có cùng quan điểm như thế, theo đó tiền bạc là phù du, là vật ngoại thân hay là thứ gì đó đại loại là xấu xa và nên tránh xa nó ra, nhưng chính những người thấm nhuần điều ấy nhất thì lại sử dụng thường xuyên cảm thấy và thiếu thốn nó nhất. Vậy thực tế có đi ngược lại với lý thuyết đó không ?


Tôn giáo ngại con người không đủ bản lãnh để đương đầu với sự sung túc về của cải vật chất dễ dẫn đến việc tha hoá trong phạm vi nào đó. Khi xã hội đói nghèo, điều đó hiển nhiên diễn ra hằng ngày, cơm áo là thứ cần thiết nhất để giải quyết cơ bản cho sự tồn tại của họ đúng như tháp nhu cầu 5 tầng của Abraham Maslow. Kinh thánh không sai khi luôn đề cao sự trong sạch của nghèo khó. Bởi vì người nghèo họ không thể dùng tiền bạc vật chất để thoả mãn các nhu cầu cao hơn của con người dẫn đến tiệm cận với sự tha hoá, thời gian và vật chất họ có được chỉ nên đảm bảo cho cuộc sống cơ bản và giáo lý phục vụ ổn định đám đông cộng đồng lớn. Dưới góc nhìn xã hội Thánh kinh có những điều khác làm cho con người cao quý hơn, lòng hy sinh, sự quan tâm cộng đồng và thể hiện tính bác ái để làm nên một nền tảng xã hội. 


Vậy người giàu có tội không ?- nhu cầu ham muốn về tiền bạc và vật chất có gì sai? Vậy cớ gì cũng lên án khi nói về điều đó nhưng thâm tâm lại hằng ao ước bằng cách này cách khác. Như vậy Kinh thánh tránh nhắc đến vì sự nhạy cảm của nó, con người tránh né nó vì bởi định kiến xã hội được hình thành bởi “những người đạo đức”. Vậy chúng ta đã lừa dối nhau ngay từ trong hơi thở từng ngày.


Ở Việt nam theo những gì tinh tuý trong văn học và triết lý: Người nhiều tiền bạc chắc chắn phải bị trừng phạt. Văn học dân gian và truyện cổ tích luôn luôn có một đoạn kết người tham lam muốn có nhiều tiền bạc thì luôn luôn bị trừng phạt hoặc trắng tay khi kết thúc câu chuyện. Luôn có ý lên án những địa chủ, những lái buôn, những người liên quan đến tiền bạc.

Trong giáo dục cũng vậy, ít khi có những bài học về sự giàu có trong giáo trình. Những tấm gương đề cao luôn luôn là nhà nghèo khó vượt qua hoàn cảnh, những tấm gương như đào được những hũ vàng thì mang bỏ đi để giữ sự trong sạch….


Thua thiệt của tôi và các bạn so với các nước văn minh cũng vậy, từ nhỏ chúng ta không được trang bị kiến thức về tài chính và tiền bạc, nó là một mảng tri thức mà bấy lâu bị quên lãng hoặc che dấu. Nói một cách trần trụi hơn, dân Việt có ý thức rất kém về tiền bạc, tư duy về tiền bạc còn ấu trĩ và có vẻ rất cao thượng để chứng tỏ “sự trong sạch của người không có tiền”. Nhiều người luôn tỏ ra kinh rẻ tiền bạc, coi nó như thứ rác rưởi. Nhưng thực tế thế nào, hằng ngày chúng ta sống và phải trả những đồng tiền mà ta phải khổ cực và trả giá bằng nhiều thứ hơn để có được. Vậy đã có một lỗ hổng quá lớn về khả năng tư duy tài chính trên tất cả các thế hệ người Việt. Chúng ta không có trách nhiệm về tiền bạc. Chúng ta không đủ bản lĩnh và dũng khí để đối điện với sự hưng thịnh mà tiền bạc mang lại, cũng chưa trang bị đủ khả năng để đến đó và nó bị xem là rẻ rúng. Chúng ta với tư duy cũ kỹ và lạc hậu xem tiền bạc là điều đáp ứng cơ bản chỉ dừng ở mức đó và tiến xa hơn nữa là vi phạm một cái gì đó hết sức mông lung và vô lý... 


Ngoài “sự bẩn thỉu” tiền bạc vẫn có một phần “cao quý” riêng của nó. Nhật bản là một điển hình, trong đó tư duy về tiền bạc và sự thịnh vượng của họ đã mang lại một miếng băng gạc có thể chữa lành vết thương nghiêm trọng từ sau thế chiến thứ II. Tiền bạc không phản bội ai bao giờ, hậu quả hay thảm hoạ từ tiền bạc là do con người tạo nên, đó là một khía cạnh khác của xã hội nhưng chắc chắn nó có thể mang lại cho thế giới một mảnh ghép của hạnh phúc.


Vậy nên chăng giáo dục nước ta trang bị cho học sinh một tư duy mới về tiền bạc và của cải xã hội. Bỏ những ý niệm về các tay địa chủ giàu có và xấu xa, loại dần hình ảnh các nhà buôn với những chiếc xe chất đầy vàng là biểu tượng của sự lừa đảo phi nhân tính. Tách dần khái niệm tiền bạc và đạo đức mà trước giờ ta nghĩ rằng nó phủ định lẫn nhau. Chính những cái đó mới có thể làm cho tư duy của một thế hệ thay đổi, và tôi tin tất cả chúng ta sẽ giàu có, đất nước của ta sẽ giàu có.


Giá như có ai nói với tôi điều ấy từ khi 7 tuổi, chắc chắn tôi sẽ không nghèo đói như bây giờ, nhưng giờ tôi vẫn có thể thay đổi, có thể chậm chạm nhưng ít ra là bắt đầu chuyển động



Phiến luận của Gã John 




Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên