Powered By Blogger





Monday 30 September 2013

Life & Fate - Cuộc đời và Định mệnh


















Dưới chế độ Cộng Sản, người ta bị cấm đoán đủ thứ. Con người trở thành một phần tử nhỏ nhoi, không có một giá trị gì. Họ chỉ có một lựa chọn, là đứng trong một vị trí đã được định sẵn, và chịu sự chi phối của một guồng máy nó sẵn sàng nghiền nát những kẻ nào muốn bước ra khỏi hàng lối. Trong hoàn cảnh đó, người trí thức nói chung, và nhà văn nói riêng, phản ứng ra sao? Dĩ nhiên có những kẻ cúi đầu cam chịu, như Nguyễn Tuân, người đã để lại câu nói bất hủ: “Tôi mà còn sống được đến ngày nay, là vì biết sợ.” 

Nhưng không phải nhà văn nào cũng giống Nguyễn Tuân. Chúng ta đã thấy Nguyễn Chí Thiện với tác phẩm Hoa Địa Ngục – Tiếng Vọng Từ Đáy Vực. Chúng ta cũng đã thấy Solzhenitsyn với Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovitch, The Gulag Archipelago và biết bao nhiêu nhà văn dũng cảm khác đã không vì “Sợ” mà chịu từ bỏ bổn phận thiết yếu của một nhà văn, là ghi lại những sự thực đã xẩy ra trong cuộc sống của thời đại họ. Hôm nay chúng tôi muốn cùng các bạn tìm hiểu một nhà văn Nga khác, một trong số hiếm hoi càc người đáng gọi là “nhà văn”. Chúng tôi muốn nói đến Vassili Grossman và tác phẩm Vie et Destin của ông.



Năm 1945, Gossman là phóng viên chiến trường của tờ báo Krasnaia Zvezda, của Hồng Quân Nga. Ông đã từng theo chân người lính Nga tấn công Schwerin, thuộc nước Đức. Vassili Grossman sinh năm 1905. Ông là một nhà văn Nga, viết văn theo truyền thống của Leon Tolstoi. Nhờ việc làm phóng viên chiến trường, ông viết nên tác phẩm của mình dựa theo những gì ông thấy được trong trận đánh Stalingrad. Ông phê bình nghiêm khắc chủ thuyết Stalinisme. Ông đặt tên cho tác phẩm của mình là “Cuộc Đời và Định Mệnh”.

Vào một buổi trưa ngày 15 tháng 2 năm 1961, năm tên công an mật vụ KGB xông vào nhà ông, tịch thâu bản thảo của cuốn Vie et Destin và bắt tác giả của nó giam vào nhà tù. Ông được thả ít lâu sau nhưng cuộc đời của ông ta nát từ hôm đó. Ông đã tốn 10 năm để viết nên tác phẩm của mình.



Vassili Grossman xuất thân từ một gia đình Do Thái. Ông chống lại việc các thiểu số về tôn giáo và quốc gia bị kỳ thị, đàn áp và ngược đãi. Ông nhận thấy các lãnh tụ về chính trị rất mù quáng, ngu dốt . Bởi vậy ông dành hết công sức để viết “Cuộc Đời và Định Mệnh”. Viết xong, ông đưa cho Vadim Kojevnikov, khi đó là trưởng ban biên tập của báo Znamia, nguyệt san của hội các nhà văn Nga. Tên này thay vì cho đăng, lại báo cho KGB biết. Vì vậy họ đã gửi nhân viên đến bắt ông, tịch thu bản thảo năm 1961 như đã nói ở đoạn trên.



Tuy nhiên Grossman khi đó vẫn trung thành với chủ nghĩa CS. Năm 1962, ông viết một lá thơ thống thiết gửi lên Nikita Krouchtchev “Xin ngài ban cho tác phẩm của tôi sự tự do, đừng giam giữ nó, tôi đã viết nó trong 12 năm, với tất cả tâm huyết, chỉ nói lên sự thực, vì tình yêu đồng loại.”

Ông đã lầm khi đặt niềm tin vào Khrouchtchev kẻ đã công kích Stalinisme trong kỳ đại hội Đảng lần thứ XX của CS Nga. Dĩ nhiên là yêu cầu của ông bị vứt vào xọt rác, vì lý do: Cuốn sách này nếu được xuất bản sẽ có hại cho chủ nghĩa Cộng Sản, cho người dân và cho Sô Viết.

Grossman không còn cách nào khác là bí mật trao cho 2 người thân thiết bản thảo của cuốn sách này, Người thứ nhất là bạn từ thuở nhỏ, Lilia Kristova. Người thứ 2 là nhà văn Sémion Lipkin. Hai người này không ai được biết là người kia cũng có một bản thảo. Bản của Lilia đầy đủ hơn.

Buồn phiền vì những sự bất công và phiền toái phải gánh chịu, Grossman mang bệnh và chết vào năm 1964, với sự ấm ức là không biết tác phẩm của đời mình rồi sẽ ra sao.

Sémion Lipkin phải đợi đến 10 năm sau mới dám liều mạng gửi bản thảo của cuốn sách sang Tây Âu. Ông ta nhờ nhà văn Nga Vladimir Voinovitch giúp. Ông sau này lại nhờ nhà khoa học đối kháng Andrei Sakharov chụp trên microfilms rồi bí mật chuyển sang Tây Âu. Tại đây, nhà văn Vladimir Maximov nhận được nhưng vì không đọc được hết toàn bộ tác phẩm, chỉ có thể trích đoạn một phần.

Năm năm sau, Vonovitch thực hiện một microfilms khác, rồi nhờ tùy viên báo chí của tòa Đại Xứ Áo tại Moskou đưa ra khỏi nước Nga. Tại Paris, tác phảm tới tay ông Efim Etkind, Giáo sư ngữ học của Sorbone, người đã nâng đỡ Soljenystine và thi sĩ Joseph Brodsky, là những kẻ bị trục xuất vì “ăn bám xã hội.”

Etkind với sự giúp đỡ của Shimond Markish phải cố công gắng sức rất nhiều mới đọc được bản thảo chụp trong microfilms. Nhà xuất bản L’Âge d’Homme cho ấn hành tác phẩm năm 1980 tại nước Thụy Sỹ. Mãi đến 1983, bản Pháp Ngữ mới được in ra tại Pháp và lập tức được đón nhận nồng nhiệt.

5 năm sau, CS Nga sụp đổ. Chỉ đến khi đó, tác phẩm mới trở về Nga do nhà xuất bản Knijnaia Palata cho in. Chỉ đến khi đó thì bản thảo do Grossman trao cho Lilia Kristova mới xuất hiện. Lilia đã trao cho một người bạn khác là Viacheslav. Ông này dấu nó dưới gậm giường trong suốt 25 năm.

Phải đến năm 1990, toàn bộ tác phẩm của Grossman mới xuất hiện toàn bộ, khi tác giả của nó đã thịt nát xương tan dưới đáy mộ. Phải chăng đó là số phận các tác phẩm văn học có giá trị dưới “Ngục tù Cộng Sản”.

Trần Mộng Lâm



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên