Powered By Blogger





Thursday 20 June 2013

Bánh mì và… báo chí

 
 
 


Đã từ lâu rồi tôi không còn tâm trạng háo hức khi giở một tờ báo hay nghe tin đài buổi sáng để bắt đầu một ngày mới. Không còn cái cảm giác thiếu thiếu lo lo khi lỡ mất một tin tức thời sự. Thậm chí tôi còn có cảm giác lo ngại khi con em mình bơ vơ lạc lõng trong cái rừng thông tin thượng vàng hạ cám trên các trang mạng…

Có lần, đứa con gái nhỏ của tôi nêu câu hỏi: “Sao con người ta ác quá vậy ba?” Tôi giật mình: “Sao con nghĩ vậy?” Cháu bảo là đọc thấy những điều ấy trên các báo. Một lần khác, khi đi chợ, tôi lại nghe giọng của một chị bán rau: “Hổm rày báo chí toàn đưa chuyện cha lấy con, riết rồi xã hội loạn hết”.
 
Đúng là những người chơn chất như trẻ em hay người ít học thường có sự khái quát hoá vội vàng, đơn giản. Nhưng sự suy đồi là có thật qua phép quy nạp thông tin. Vấn đề chỉ là việc trả lời câu hỏi: Xã hội suy đồi hay báo chí suy đồi?
 
 
Báo chí cũng là sản phẩm nhu yếu của tinh thần, nhưng vì sao báo chí lại khủng hoảng nghiêm trọng cùng với sự khủng hoảng kinh tế như hiện nay?

 
 
 
Những ngày huy hoàng của báo chí, khi mà các nhà báo, nhà văn như được “phong thánh” với những “chức danh” như “người tải đạo”, “quyền lực thứ tư”... Đã mấy năm nay, có ai đọc được những loạt phóng sự điều tra hay những bài xã luận gây chấn động hoặc tạo ra được những thay đổi lớn lao?
Như thành ngữ của Nga có câu: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Rất nhiều sự thật mà các nhà báo không đi đến cùng, rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ, nhiều cái tên các vị cần nêu nhưng chưa bao giờ được nêu. Chỉ lấy ở đây một vài câu hỏi làm ví dụ: Tham nhũng đầy dẫy, nhưng là những ai? “Nhóm lợi ích” là những người nào? 
 
Thay vào đó, những sự thật không cần thiết hay độc hại lại là những dạng thông tin hàng đầu của nhiều trang báo. Không như phim ảnh hay truyện tranh, những loại hình thông tin được cảnh báo về việc hạn chế trẻ em tiếp cận khi có những nội dung không phù hợp với tuổi nhỏ, báo chí lại được thoải mái đưa những thông tin không khác gì những “dâm thư”. Như chuyện “Cha chồng dính với nàng dâu”, chuyện “Mátxa yoni”, “La hét khi sex”, chuyện ngoại tình, bị cắm sừng, sexy, “lộ hàng”… Nhan nhản trên các báo là những chuyện mà nhà văn Georges Simenon bảo là những chuyện “từa tựa như việc dòm qua lỗ khoá để xem người hàng xóm của mình làm những gì – hắn có cùng mặc cảm tự ti, cùng những tật xấu hay những cám dỗ như mình chăng?”
 
 
 
Khi kinh tế khủng hoảng, bà bán bánh mì vẫn bán được bánh mì vì đó là đồ nhu yếu, nếu bánh mì của bà vẫn là bánh mì “thật”, bánh mì ngon. Báo chí cũng là sản phẩm nhu yếu của tinh thần, nhưng vì sao lại khủng hoảng nghiêm trọng cùng với sự khủng hoảng kinh tế như hiện nay? Sự liên đới, tương hỗ vì kinh tế là có, nhưng có lẽ phải kể thêm yếu tố là chất lượng thông tin báo chí đang bị suy giảm trầm trọng. Rất nhiều trang mục, tờ báo giờ chỉ còn chất lượng cỡ như những tờ báo tường của học sinh trung học với những kỹ thuật, những quy phạm nghề nghiệp giờ đã bị bỏ qua hay đơn giản hoá tới mức tối đa…

 
Chủ bút của một tờ báo ở New York, Mỹ, đã cảnh báo các nhà báo: “Các anh nên nhớ rằng tin tức của các anh vào đến tận mỗi ngôi nhà của những người tử tế…” Vậy thì những người làm báo chân chính hãy làm gì đi để báo chí giành lại được giá trị và quyền lực vốn có của nó.
 
 
Bùi Dân/SGTT
 
 
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên