Powered By Blogger





Monday 7 July 2014

Người dưng, người nghĩa, người tình!









KD: Tiếng Việt thật đẹp, lóng lánh đến độ, chỉ có vài chữ- người dưng, người nghĩa, người tình, mà các nhà ngôn ngữ VN, và nhà báo Đào Dục Tú cũng phải trăn trở tự viết và tự hỏi, dẫn chứng đủ thơ phú, ca dao…

Nhưng anh Đào Dục Tú, quê làng quan họ, lại quên một từ tuyệt đẹp, mà mình vốn rất thích. Đó là “người ngọc”. Thật khó có thể có từ nào diễn tả hay hơn một người đẹp, bằng cái từ này. Hy vọng bữa nào đó, anh viết tiếp về “người ngọc” nhé

Cảm ơn anh Đào Dục Tú


Kim Dung/Kỳ Duyên
——-



Dù không phải là “nhà ngữ học”, nhưng 40 năm làm nghề viết lách liên quan thường nhật đến chữ nghĩa, tôi thuộc trong số những người hay vu vơ nghĩ về cái “vỏ ngôn ngữ Việt” chứa phần “ruột” ý nghĩa , thấy có nhiều điều rất thú vị!

Chẳng hạn ba từ: “dưng” thuần Việt, “nghĩa- tình” gốc Hán Việt nhưng chắc chắn đã được Việt hóa lâu đời ba bốn trăm năm khi mà ngôn ngữ Việt đã trưởng thành, đủ sức từ khởi điểm “nôm na” trở thành ngôn ngữ nghệ thuật ngôn ngữ thi ca. Xin có đôi lời tạp cảm phiếm đàm về ba từ, ba tiếng này

Người Việt mình, nhất là những ai đã trải đời, hỏi mấy người không biết câu thành ngữ quen thuộc “người dưng nước lã”. Và còn mấy ai không biết từ “dưng” thuần Việt là để chỉ người không có máu mủ ruột rà thân tộc nội ngoại gì với mình. Mà sao người mình lại gọi người dưng? “Dưng” có phải “cách nói rút ngắn” xuất xứ từ . . .từ láy hai, láy ba “dửng dưng” “dửng dừng dưng”, chỉ thái độ thờ ơ, vô cảm nhạt nhẽo của người mình trước sự vật ,sự việc, trước người thiên hạ. . . .đâu đâu chăng?

Người dưng, nói nôm na là “người xa lạ”, người ở đâu đâu, chỉ có một điểm chung duy nhất cũng mơ hồ xa xôi thôi, là đồng hương ,đồng bào, đồng chủng hoặc “cùng một lứa bên trời lận đận” sau những biến cố chính trị xã hội có tính vật đổi sao dời ,nương dâu bãi bể. Ấy thế nhưng trong mọi quan hệ xã hội như bằng hữu, đồng nghiệp, đồng hương, đồng môn, đồng liêu( cùng cơ quan,công sở), đồng niên, đồng chí cùng đủ thứ “đồng” khác, thì đâu phải là người trong tộc họ, mà chủ yếu, nếu không muốn nói duy nhất là “người dưng”.

Người dưng nhưng . . .có phải “nước lã”, “nhạt như nước ốc” hay không thì lại là chuyện khác, tùy vào chất lượng quan hệ. Có lẽ người Việt mình sinh ra từ một bọc (đồng bào) theo huyền sử “mẹ tiên Âu Cơ đẻ trăm trứng” nên có căn tính xem trọng họ hàng thân tộc máu mủ ruột rà “một giọt máu đào hơn ao nước lã”.

Coi người dưng là . . . nước lã, trước hết ở cái nghĩa “người ấy” không thuộc nội tộc ,ngoại tộc của mình, không liên đới dây dưa với dòng máu bên cha bên mẹ của mình. Sự thể là trong mọi mối tương giao bạn hữu , bạn hàng ,bạn chơi, bạn học ,bạn đồng môn ,đồng niên, đồng nghiệp vân vân và vân vân. . . tạm gọi là “quan hệ xã hội”, thì bao giờ các cụ ngày xưa cũng lấy cái nghĩa làm chuẩn mực xử thế, lấy cái nghĩa làm gốc, để cho mọi quan hệ giữa người với người được lâu bền, tốt đẹp.

Chữ ” nghĩa” gốc Hán đã “Việt hóa” lâu đời, được hiểu nôm na là xử thế theo chuẩn mực đạo đức xã hội đương thời. Hay nói cách khác, mở rộng nghĩa, nghĩa là tin cậy lẫn nhau, chia ngọt xẻ bùi cùng nhau, đồng cam cộng khổ, cùng hội cùng thuyền, tương trợ ,tương thân tương ái. Cái nghĩa ấy là nhân nghĩa ở đời. Người dưng ” lên ngôi” người nghĩa.

Cái nghĩa ấy cũng có thể xuất xứ từ cái tình . . . ngày xưa, kể cả tình trai gái, nay đã trở thành kỷ niệm; người xưa thành . . . “cố nhân”, người của một thời ,người. . . . cũ. Bởi thế cho nên nàng Kiều sau mười lăm năm lưu lạc, thấy chàng Kim “ngày xưa” trong tâm cảm chỉ còn là:

“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” .

Nhân đây cũng thấy cần lưu ý rằng tình yêu , “tiền sự” “tiền đề” của hôn nhân, thì “nhân sự” cũng là “người dưng” đến với nhau từ đủ loại con đường. Duyên may “duyên phận phải chiều” có nhiều mà tiền tài tính toán “đưa chân” cũng không phải là ít. Nhất là thời hiện đại, con người có “quyền” lựa chọn và quá nhiều tham vọng, kể cả thủ đoạn. . .tinh vi. Nên người ta không lạ gì có lúc, có nơi (phố thị nhiều hơn làng quê) tỷ lệ gia đình tan vỡ, vợ chồng đưa nhau ra tòa chiếm quá bán số cuộc hôn nhân!

Viết đến đây tự nhiên tôi muốn nêu một điều khó hiểu của mình . “Nhân nghĩa” hay người nghĩa, nói chệch thành ” nhân ngãi”; cũng như . . . “nhân bánh” hài hước, thường được dùng với nghĩa tiêu cực, không hay. Vì sao vậy? Hay đấy là cái “tội” của “thằng hoàn cảnh” của “con mẹ lịch sử đành hanh” sớm nắng chiều mưa, buổi giao thời nhiều nhiễu loạn chuẩn mực đạo đức?

Tôi đã từng nghe không ít lần người ta chỉ trích mỉa mai, kiểu ” Gớm cho cái lão ấy, tẩm ngẩn tầm ngầm mà nhân tình nhân ngãi hàng đống!”. Hoặc “Nhân tình với chả nhân bánh, chán mớ đời !”. Chữ nhân tình nhân ngãi xuống giá, rớt giá thảm hại trông thấy !

Người “dưng” chỉ lên ngôi trở thành. . .”nhân tình”, người tình, trước hết, lạ thay, thường là “nhờ cậy” ở duyên số, cơ duyên, duyên. . . .trời định đưa đẩy hai “người dưng” tới với nhau. Không sao giải thích được cô gái Nam Bộ gặp người dưng rồi, là gắn kết trong lòng tới mức:

“Thương sao thương dữ vậy trời
Đêm nằm không ngủ, ngủ thời chiêm bao
Lệ sa chảy xuống má đào. . .”

Lại có người con gái bồn chồn tự hỏi:

“Cơm ăn nửa chén lưng lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này?”. 

Những đôi tình nhân ấy nếu có cơ may, duyên may thành vợ thành chồng thì sau nhiều năm “gừng cay muối mặn” “sim chát đào chua” , ngoài cái tình trai gái ban sơ, khởi thủy, cái nghĩa vợ chồng, nghĩa nặng phu thê ” răng long đầu bạc” sẽ đến về sau. Người Việt thường nói “tình nghĩa vợ chồng” là vì vậy.

Tình bồng bột khởi đầu có trước ,nghĩa “nặng chìm” có sau. Nghĩa nặng chỉ có, chỉ được kết thành sau bề dầy thời gian cả hai vốn “người dưng” cùng gánh chịu “nợ đời” với điều kiện cái tình còn đó như là một tiền đề, một “điều kiện tiên quyết”; như sợi chỉ điều xuyên suốt thời gian, hay chí ít cũng như hòn than còn ấm nóng trong đống tro của tuổi bóng chiều! Đã không tình lại không nghĩa thì thật khó “bách niên giai lão”(cùng chung tuổi già trăm năm) với nhau, dù theo bất cứ chuẩn mực đạo đức nào.

Người dưng người nghĩa gần với các quan hệ xã hội ,gần với chuẩn mực đạo đức xã hội :

 “Dạo chơi quán cũng như nhà
Lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói cao”. 

” Người dưng có ngãi (nghĩa) ta đãi người dưng” . . .Còn người tình? Khởi đầu cũng là người dưng đấy, nhưng quả là người dưng . . .quá chừng đặc biệt! Người dưng như đã biết nhau từ kiếp nào. Ca dao có câu tưởng cường điệu vô lý hóa ra vô cùng hữu lý

“Yêu em từ thủa lên ba
Mẹ bồng ra ngõ hái hoa em cầm”.

Người dưng khi đã lọt ” mắt xanh”, đã đến với nhau theo sự mách bảo không phải của lý trí ,đạo lý và mọi toan tính ở đời mà là sự mách bảo linh diệu của trái tim thì “người dưng nước lã” hóa ra trở nên thân thiết ,quan thiết với đời sống tâm hồn tình cảm của con người. Đến độ vì một lẽ nào đó hạnh phúc lứa đôi không “đơm hoa kết trái”, người ta có thể vẫn tôn thờ ,tôn vinh “tình xưa nghĩa cũ ” suốt đời. Một trong không nhiều lý do khiến “đời còn đáng yêu” “đời còn đáng nhớ” là ở đó chăng ?

Xin tạm kết bài tạp cảm. . . vu vơ này bằng những câu thơ của Trần Kiêm Đoàn, một người không phải nhà thơ chuyên nghiệp hữu danh, nhưng thơ ông trải đời, rất. . . . động tâm người đọc:

Đêm qua mưa lũ ta về
Đứng im như tượng bên hè nhà xưa
Một hồn rũ rượi trong mưa
Nhớ ơi ngọc trắng ngày chưa cát lầm

Tác giả: Đào Dục Tú





Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên