Powered By Blogger





Sunday 11 January 2015

Còn có một dòng sông thơ





Từ một tên gọi trong giấy khai sinh, trên nhãn sách vở... cho đến tất cả giấy tờ, hồ sơ, lý lịch... là Đoàn Chí Bổng đến một tên gọi trên nhạc đàn và văn đàn: Đoàn Bổng, con người ấy đã đi ngót 60 năm. Sáu mươi năm để đi ư? Đâu phải là dễ dàng, êm xuôi...? Đâu phải là thuận buồm, xuôi gió...? Đó là những tháng ngày khổ công rèn luyện, mài sắt nên kim!



Nhạc sĩ Đoàn Bổng.

Đã từng có một cậu bé Đoàn Chí Bổng ngày ngày cắp sách đến trường, chiều chiều lặn ngụp trên dòng sông Nhuệ. Đã từng có một thí sinh Đoàn Chí Bổng ngỡ ngàng bước vào phòng thi của Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Mà lại thi vào chuyên ngành sáng tác, khi cái vốn liếng trong đầu về cuộc sống, về âm nhạc còn còm cõi, nhỏ nhoi...

Thế mà thi đỗ! Thế mà lập nghiệp! Để rồi có một ngày vụt sáng lên, vút ngân lên ca khúc "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" mê đắm lòng người:

Dòng sông Đáy quê em
Sông trăng hay sông lụa
Nong kén vàng như lúa
Tròn vạnh một góc trời…

Thế là xuất hiện và khẳng định một nhạc sĩ trẻ với tên gọi Đoàn Bổng.


   

Bạn bè thuở đánh đáo, đánh khăng, đuổi chim, đuổi bướm... phân vân đoán định! Và nhất là họ hàng, dòng tộc thì lại càng xao xuyến, băn khoăn! Với tâm thức của con người Việt Nam thì họ Đoàn mới chỉ là dòng họ lớn, chung của nhiều địa phương trên cả nước. Họ Đoàn thêm một từ đệm mới chỉ rõ được cái chi, cái nhánh, cái dòng tộc riêng. Đoàn Bổng là một nhạc sĩ của họ Đoàn chung, nhưng phải là Đoàn Chí mới là niềm kiêu hãnh, niềm tự hào của chi Đoàn Chí!

Trần tình với họ hàng, dòng tộc, lý giải với bạn bè cố tri, Đoàn Bổng được mọi người đồng thuận và rồi... cười xòa. Ừ, cái thằng Bổng ấy, cái anh Bổng ấy, cái chú Bổng ấy... vẫn là Đoàn Chí Bổng của đất Thường Tín, Hà Tây. Để rồi những con người của xứ sở Thường Tín ấy như càng lớn hơn về tầm nhìn, cao hơn về tầm nghĩ, khi nhận ra rằng: Người con dân của quê hương mình đã bớt đi một từ đệm để trở thành một con dân của cả nước.

Quả đúng như thế! Người dân sống trên những cánh đồng Nam bộ bay mỏi cánh cò, khi nghe "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" của Đoàn Bổng (phỏng thơ Lai Vu) cứ ngỡ như tác giả đang hát về sông Tiền, sông Hậu của chính quê hương mình.

Người dân sống trên những triền núi chập chùng cao, chập chùng xanh, điệp trùng dốc, điệp trùng đồi... khi nghe "Về Hà Tây đi em" của Đoàn Bổng như thấy càng yêu thương xứ sở Hà Giang, Tuyên Quang ngút ngàn mây gió...

Đoàn Bổng vẫn là Đoàn Chí Bổng xưa: của Thường Tín, của Hà Tây, của sông Tích, sông Đáy, của núi Tản, Hương Sơn... nhưng lại còn có một Đoàn Bổng, có lẽ do biết ẩn giấu từ đệm là Chí vào tận đáy lòng, nên tâm hồn rộng mở để rung động với "một màu hoa đỏ" của Hải Phòng ("Nhớ Hải Phòng" - lời thơ: Đặng Vương Hưng), để sóng Hồ Tây ru ngọt ngào giấc mơ (Hà Nội những kỷ niệm trong tôi), để bên sông Cầu ngỡ ngàng gặp cô Tấm ("Đêm sông Cầu" - phỏng thơ: Đỗ Trung Lai), để chia sẻ những nỗi niềm cùng cô gái sông Hương (Tình yêu Hương Giang)...

Cứ như thế, mà có một nhạc sĩ Đoàn Bổng và cũng cứ như thế, trên mười năm nay, lại có một nhà thơ Đoàn Bổng. Ngoài album ca khúc "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" và tập "Tuyển chọn ca khúc Đoàn Bổng", năm1998, Nhà xuất bản Văn học đã ấn hành một tập thơ - thuần chỉ có thơ - với tên gọi: "Nốt nhạc buồn". Nói là thuần vì ngoài "Nốt nhạc buồn", nhạc sĩ - nhà thơ Đoàn Bổng còn cho xuất bản 2 tập in xen kẽ cả nhạc và thơ: tập "Nhạc và thơ" do nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1996; tập "Em và Đời" do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào đầu năm 2002.

Cũng vì thế mà tôi cứ phân vân khi đặt bút để tìm "nghiệp danh" của Đoàn Bổng. Đã có một nhạc sĩ Đoàn Bổng. Cả nước công nhận và cũng không ai chối cãi! Và rõ ràng trong cuốn sách "Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại" do Hội Nhạc sĩ Việt Nam xuất bản tại Hà Nội năm 1997, đã có một trang (trang 54) ghi: "Đoàn Bổng - nhạc sĩ sáng tác". Còn nhà thơ Đoàn Bổng? Dường như còn có ý kiến phân vân! Mà phân vân cũng là phải. Một đời nghệ sĩ, chỉ cần một tác phẩm, chỉ một thôi, lưu danh với hậu thế, cũng đã đủ tự hào. Đoàn Bổng - nhạc sĩ, giá như chỉ có một "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" đã ra đời và sống cùng năm tháng, cũng có thể coi là đủ. Huống hồ, còn có không ít ca khúc đã từng lắng đọng trong lòng công chúng thì việc gì phải làm thơ để mang thêm một nghiệp danh khác: Thi sĩ?

Vốn là một sinh viên Văn khoa và đã từng là giáo viên văn học, không nhân nhượng và cũng không khe khắt, tôi đã xuôi theo dòng chảy thơ ca của Đoàn Bổng. Và càng nhận ra rằng: Trong con người Đoàn Bổng, cả hai dòng sông âm nhạc và dòng sông thơ ca cùng hòa hội.

Cũng thật lạ! Cái anh chàng vốn là học trò và nay là bạn bè này, trông qua dáng vẻ, chẳng có gì rõ nét văn nhân. Người: thâm thấp, vóc: đầm đậm. Cứ như một cột lăng trụ ngắn ngủn! Thế mà trong tâm hồn lại xanh mướt những dòng nhạc, áng thơ.

Có những câu mộc mạc, dung dị như ca dao:

Dẫu tôi tài giỏi mười mươi
Cũng không sánh nổi nụ cười 
của em

(Thơ hai câu)

Có những câu lại mang nét tinh nghịch, dí dỏm:

Hôm rồi ra ngoại thành chơi
Gặp ba cô gái xinh tươi quá chừng
Một cô tóc xõa ngang lưng
Một cô váy ngắn áng chừng dưới hông
Một cô quần trắng, áo hồng
Mỗi cô mỗi vẻ tôi không thể ngờ
Từ hôm bắt gặp đến giờ
Bỗng tôi như kẻ ngẩn ngơ, mất hồn

(Bức tranh)

Nhìn chung, Đoàn Bổng ít chú trọng đến vần điệu trong thơ của mình mà tập trung vào cấu tứ và tạo dựng hình tượng:

Mắt quỷ dữ nhìn em: Con mồi ngon
trần trụi
Ta nhìn em: Thánh thiện, kiêu sa!

(Hai cách nhìn)

Kẻ bệnh hoạn
Ném rác rưởi vào tim đàn bà
Bung ra nấm độc
Đấng sĩ phu
Ủ trí tuệ trong tim đàn bà
Sinh ra quý nhân

(Nhân và quả)

Nằm trong xu thế chung của nghệ thuật thời hiện đại và đương đại: thiên về trí tuệ, dòng chảy thơ ca của Đoàn Bổng ngày càng mang đậm sắc màu triết lý. Có lẽ do quá trình tích hợp tri thức, do những nếm trải trực tiếp trong cuộc đời, thơ của Đoàn Bổng ngày càng già dặn hơn trong cách cảm nhận. Tuy vậy, thơ mang chất triết lý của anh vẫn là thơ, vẫn đầy chất thơ. Bài thơ "Tuyên ngôn năm 2000" đến với người đọc chắc sẽ gây nhiều ấn tượng bất ngờ - bất ngờ vì cái tứ độc đáo đến mức như kỳ quái của nó:

Trên thế gian
Nếu cạn kiệt đàn bà
Tôi quẳng bút ngay vào sọt rác
Chẳng thèm làm thơ và viết nhạc 
Bởi khi ấy
Đầu tôi toàn sa mạc
Nóng chảy và khô khát
Đần độn và ngẩn ngơ...

Hôm nay tôi 
Vẫn viết nhạc 
Làm thơ
Bởi thế gian
Vô tận 
Đàn bà...

(Tuyên ngôn năm 2000)

Nếu trong ca khúc là nơi hòa hội của những dòng sông: sông Đáy, sông Đà, sông Tích, sông Nhuệ, sông Mã, sông Cầu, sông Hương... và cả sông Lấp - Hải Phòng nữa thì trong thơ Đoàn Bổng cũng lại là nơi những dòng sông hòa hội: dòng sông nhạc và dòng sông thơ. Tôi nói dòng sông nhạc trước dòng sông thơi không phải vì "Trái tim vốn có độ lệch" mà bởi lẽ, đọc thơ Đoàn Bổng vẫn thấy hiện lên lừng lững một chủ thể nhạc sĩ. Đoàn Bổng trong thơ vẫn là một nhạc sĩ nói lên những cảm xúc của mình, không phải bằng âm thanh, mà bằng ngôn ngữ:

Cứ mỗi lúc tâm hồn ta bay bổng
Nàng lại gieo cho ta những nốt nhạc buồn

(Nốt nhạc buồn)

Nghệ thuật nào có ngôi thứ? Đó là chuyện của trái tim, và như Anphrét đờ Muýtxê đã nói: "Ôi, trái tim! Thiên tài chính từ nơi ấy!".

Nhạc Đoàn Bổng, thơ Đoàn Bổng, nào có gì tách bạch. Nhạc của Đoàn Bổng là nơi hai dòng cùng hòa hội; và thơ của Đoàn Bổng cũng là nơi hòa hội của hai dòng. Nếu như trên dòng âm thanh "có nhạc nâng rồi, thơ vỗ cánh bay lên" (Trích "Tình em" - thơ Đoàn Bổng) thì hẳn chắc là trên dòng ngôn ngữ, "có thơ nâng rồi nhạc chắp cánh bay lên" (người viết mạn phép tác giả để "biến tấu" câu thơ). Nếu không phải hơi quá lời thì có thể nói rằng: Ca khúc là một bài thơ được hát lên và bài thơ là lời ca được đọc lên.

Cha ông ta xưa rất có lý khi ghép thơ với ca để gọi là thơ ca - bởi lẽ mọi bài thơ đều có thể ca lên, hát lên và mọi bài ca (cả làn điệu dân ca) đều bắt nguồn và dựa vào một bài thơ để từ đó mà "bẻ làn, uốn điệu".

Ca khúc của Đoàn Bổng đã và đang sống - sống cả dòng âm thanh và sống cả dòng ngôn ngữ lời ca. Thật kỳ thú khi bắt gặp hai dòng sông, sông nhạc và sông thơ cùng hòa hội ở một nơi: Đoàn Bổng! Càng kỳ thú hơn khi Đoàn Bổng đã đi từ một dòng sông quê hương để đến với nhiều dòng sông quê hương khác, từ một "dòng sông quê em", để thêm một "dòng sông quê anh", và lại để thêm những dòng sông của quê hương Việt Nam

VNCA


Dòng sông quê anh, dòng sông quê em - Kiều Hưng & Lê Dung



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên