Powered By Blogger





Thursday 26 March 2015

Chữ " HIẾU " trong bài thơ " Siêu âm tim " của Ngô Minh






Con người ta khi không may gặp phải những sang chấn thể xác lẫn tinh thần tột cùng ngay từ hồi thơ trẻ; những số phận như thế, đến tuổi 20 khó có thể dốc hết bình sinh để gánh vác được việc gì to tát cho cuộc đời này. Thế nhưng, Ngô Minh hoàn toàn khác, anh hăm hở hiện diện trong hàng ngũ của những con người ưu tú nhất ra trận. Suốt mùa chiến dịch, sau các trận đánh, trái tim anh lại nhiều lần tan vỡ trước bao mất mát của bạn bè, đồng đội. Về già, trong thanh bình rồi, lại vẫn không thể bình yên bởi bao nhức nhối nơi cõi nhân trần thế thái; nhưng Ngô Minh vẫn không ngơi nghỉ sáng tạo – mà lại rất táo bạo, độc đáo và sung sức nữa. Lịch sử con đường nghệ thuật của Nhà văn - Thi sĩ Ngô Minh hoàn toàn trải dài theo số phận của đứa trẻ bị vùi dập tận cùng, không thương tiếc dưới thời CCRĐ; lớn lên chút nữa, cậu học trò trên ghế học đường luôn bị thành kiến, kỳ thị, tổn thương do sự áp đặt "thành phần giai cấp" lại có cha là "tội đồ" bị xử bắn; trong chiến tranh vệ quốc với bao gian khổ hy sinh máu và nước mắt giữa cái chết và sự sống mong manh; trong thời bình đầy rẫy bất công và giối trá…Thấu hiểu điều này, người đọc mới nhận ra được tại làm sao Ngô Minh luôn đưa đến cho công chúng những tác phẩm thơ khác lạ, đầy bất ngờ, rất riêng…“Ngô Minh”!

Mới đây, một lần bị đau và đi “siêu âm” thật trong bệnh viện. Được bác sĩ sử dụng kỹ thuật và phương tiện thăm dò tiên tiến (siêu âm) khám cho mình; anh đã choáng ngợp và ngỡ chiếc máy "tối tân” này có thể giúp mình "thăm khám" mọi chuyện khác nữa ngoài tổn thương thực thể do vừa bị trúng bệnh. Nhưng cũng ngay khi đang được “siêu âm”, một ý thơ cực kỳ độc đáo từ số phận "đặc biệt" của nhà thơ vụt tới rồi tuôn trào theo ký ức gần cả đời người, để rồi Thi sĩ của chúng ta cho ra đời bài thơ “SIÊU ÂM TIM”, viết theo bút pháp rất "kỳ lạ", phi “truyền thống” trong dòng chảy thơ Ngô Minh.

Như máu nóng luôn quay về tim nơi cội nguồn của sự sống con người ta, Thi sĩ Ngô Minh đã dành cho cha mẹ mình lời đề từ của đầu bài thơ “Kính dâng hương hồn Ba Mạ và đồng đội”. Đó chính là chữ “HIẾU” xuyên suốt nội dung bài thơ của anh.

Mở đầu bài thơ, trái tim anh được ví “như củ khoai tía gọt vỏ tím hồng” và liền sau là câu hỏi với thầy thuốc đang thăm khám cho mình: “- Làm sao tôi vẫn bình thường ?”. Thông thường, tiếp theo là lời đáp của bác sĩ dành cho bệnh nhân. Thế nhưng, người bệnh đã nhanh nhảu giải bày về “bệnh trạng đang tiềm ẩn” mà không chắc gì bác sĩ có thể chẩn đoán ra:

  “Bác sĩ ơi, tim tôi từ lâu không còn lành lặn
7 tuổi, ba bị bắt cùm chân. Mạ bảo "Trưa ni con bới cơm cho ba". Tôi ôm mo cơm đến chỗ giam, thấp thỏm mừng vì sắp được gặp ba. Bỗng thằng lính trợn mắt: "Chưa đến giờ, đ.mạ mày, đồ con phản động !". Rồi nó tung chân đá mo cơm trên tay tôi văng tơi bời  trên cát. Tôi khóc thấy tim mình cũng văng thành từng mảnh vụn đớn đau.”.

Đây là câu thơ bất thường nhất mà không mấy khi chúng ta được gặp. Là đoạn kể lại trọn vẹn một câu chuyện vô cùng điển hình thời CCRĐ: sự tàn ác, thú tính của quỷ sứ đang tấn công một mầm tơ, một đứa trẻ chỉ mới 7 tuổi đời. Câu thơ phá cách mà mẫu mực này có sức lay động lòng người cả ngàn vạn cân nặng!

 Riêng về câu thơ này, một người có lẽ là “nữ sĩ” vốn rất hiểu và yêu Thi sĩ Ngô Minh – Thơ lẫn con người ngoài đời, đã nhận xét: “Tôi đọc bài thơ "Siêu âm tim" của Ngô Minh, cũng có chung cảm nhận như bạn Lê Quang Vinh. Bài thơ với cấu trúc lạ, dẫn dắt người đọc thấy rõ cái bi thương của những nạn nhân thời CCRĐ: "7 tuổi, ba bị bắt cùm chân . Mạ bảo "Trưa ni con bới cơm cho ba". Tôi ôm mo cơm đến chỗ giam, thấp thỏm mừng vì sắp được gặp ba. Bỗng thằng lính trợn mắt :" Chưa đến giờ, đ.mạ mày, đồ con phản động !". Rồi nó tung chân đá mo cơm trên tay tôi văng tơi bời  trên cát. Tôi khóc thấy tim mình cũng văng thành từng mảnh vụn đớn đau." Câu chuyện được kể lại chỉ trong một câu thơ mà lột tả được sự tàn ác của "lũ quỷ mặt người", khiến "trời không thể dung, đất không thể tha" do những gì chúng gây ra cho người vô tội. Thơ Ngô Minh luôn sâu sắc, lạ mà hay rứa đó” –Trần Thùy Mai |28 Feb 2015, 08:15.(*)

Câu thơ “dài dòng văn tự” thế nhưng đã chinh phục dữ dội những kẻ hoàn toàn xa lạ với Ngô Minh: “Tôi đồng ý với nhận xét của anh Lê Quang Vinh, câu thơ "Văn xuôi" dài tới 74 từ (chữ) cua Ngô Minh: "Đây là câu thơ bất thường nhất mà không mấy khi chúng ta được gặp. Là đoạn kể lại trọn vẹn một câu chuyện vô cùng điển hình thời CCRĐ...". Theo tôi được biết, ở nước ta, cụ Trần Dần mới có bút lực làm ra lối thơ này từ thời đang trong nhóm thơ tượng trưng “Dạ đài” với tuyên ngôn 16-11-1946, trong đó có những câu: "Chúng tôi, một đoàn vong gia thất thổ, đã đầu thai nhằm lúc sao mờ...". Câu chuyện được kể lại với hai tuyến nhân vật cực kỳ đối lập nhau như ánh sáng và bóng tối, như nước và lửa vậy! Qua đó, đủ thấy tính phi nhân, phi nghĩa của cuộc “Cách mạng Cải cách ruộng đất 1954”, đã giáng lên đầu người dân bao tai họa khủng khiếp tới mức nào! Cảm ơn tác giả Ngô Minh, cảm ơn QTXM, cảm ơn Tạp chí “THƠ – Hội Nhà văn Việt Nam” (TẠP CHÍ THƠ  - Tháng 12/2014). Đây là Tạp chí sáng tác, lý luận, phê bình và thông tin về thơ của Hội nhà văn VN; đã đưa ra công chúng một tác phẩm văn chương rất có giá trị ở thời điểm này – Thời điểm nhân dân ta đang rất cần những bài thơ, hồn thơ, những tác phẩm nghệ thuật thứ thiệt!” - Trần Văn Chân |28 Feb 2015, 08:15.

Cũng bởi câu thơ bất thường, khác lạ truyền thống “Ngô Minh” này, một bạn nữa viết: “Cháu đọc bài viết của các chú mà trong lòng vô cùng đau xót, dầu những chuyện diễn ra trong bài thơ đã là dĩ vãng lâu rồi. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay không thể hiểu nổi, ở nước ta vào một thời như thế... lại có thể đưa đến người dân những thảm cảnh khủng khiếp vậy?(!). Hình ảnh chú Ngô Minh lúc 7 tuổi thật tội nghiệp, nếu thời đó mà mo cơm đến được ba chú thì giờ đây trái tim chú không bị tổn thương cho đến khi đã về già như ngày nay. "7 tuổi, ba bị bắt cùm chân . Mạ bảo "Trưa ni con bới cơm cho ba". Tôi ôm mo cơm đến chỗ giam, thấp thỏm mừng vì sắp được gặp ba. Bỗng thằng lính trợn mắt :" Chưa đến giờ, đ.mạ mày, đồ con phản động !". Rồi nó tung chân đá mo cơm trên tay tôi văng tơi bời  trên cát. Tôi khóc thấy tim mình cũng văng thành từng mảnh vụn đớn đau". Câu thơ này, lúc mới đọc thì cảm thấy "khó vào" lắm; nhưng qua sự phân tích trong bài phê bình của chú Lê Quang Vinh, cháu mới cảm nhận được sự độc đáo để rồi nó thấm dần vào lòng dạ mình” - Đinh Xuân Bắc |28 Feb 2015, 13:07.

Câu thơ tài hoa, xuất thần làm rúng động khối óc và lòng dạ người ta ghê gớm; nó còn có cái duyên chắp nối được tình yêu giữa những người chưa từng quen biết thành sự đồng điệu dành cho nhau thật trân quý, đằm thắm.

 Cùng với “Tôi khóc thấy tim mình cũng văng thành từng mảnh vụn đớn đau”, thì cũng là lúc một nghịch lý vô cùng cay nghiệt hoàn toàn không thuộc “giống người” (những mong để cho người thầy thuốc chữa trị ?) găm vào tâm hồn đứa trẻ:

“Lần đầu tiên tôi nhận ra không phải cứ người là tốt”

Sao trái tim nát tan ấy không hiện lên màn hình ?”.

Cũng xoay quanh trục của chữ  “HIẾU”, bài thơ đến đoạn cao trào đau đớn cùng tận “cửu thiên” (thấu đến chín tầng trời xanh):

“lên 7, ba tôi bị trói vào cọc xử bắn, súng nổ, bốn anh em

                                                        tôi ôm lấy mạ nấc lên,

12 phát đạn xuyên vào tim mạ tim tôi

53 năm rồi vết thương tim còn rỉ máu

Đó là lần đầu tiên tôi thấy con người thật ác ...

Sao không hiện lên màn hình ?”.

Vẫn là câu hỏi lớn như Huy Cận từng hỏi “Các vị La Hán chùa Tây Phương” (nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội quằn quại đau khổ trong nhiều biến động, bế tắc không tìm được lối ra) chứ không riêng dành cho người bác sĩ siêu âm nữa:
“Đó là lần đầu tiên tôi thấy con người thật ác ...

Sao không hiện lên màn hình ?”.

Tội ác tiếp tội ác, bi kịch không dừng lại ở 12 viên đạn xé tim người chồng người cha ở thời khắc như trời đỗ sập xuống ấy trong hồn người vợ và mấy người con dại thơ; mà tiếp tục kéo dài suốt cả đời người của từng con người trong cái gia đình mang án oan khiên tày liếp này:

“Mạ góa bụa nuôi con. Đêm đêm nước mắt khóc chồng

                          thương con thành a-xít xói mòn tim trẻ.

Tuổi 30 tôi thét lên khi mạ qua đời:" Răng con bỗng không còn mạ !" nước mắt mồ côi trào như sóng. 
Trái tim tôi mưng mủ đến bây giờ

Sao không hiện lên màn hình ?

Bác sĩ ơi, tim tôi từ lâu không còn lành lặn”

“Đêm đêm nước mắt khóc chồng - thương con thành a-xít xói mòn tim trẻ” để rồi “Trái tim tôi mưng mủ đến bây giờ”. Ai gây ra bệnh trạng để thành ra “mạn tính” mất rồi này. Liệu ông Trời còn có thể chữa được không? Nên “máy siêu âm Nhật hiện đại nhất thế giới - sao không phát hiện ra ngàn vết thương tim” là cũng dễ hiểu thôi.

Hai phần tiếp theo của bài thơ, Thi sĩ dành cho đồng đội, nhân quần; đoạn cuối thì dành riêng cho người em ruột vốn mồ côi cha từ lúc còn măng sữa…

“Bác sĩ ơi, tim tôi từ lâu không còn lành lặn
Tuổi 20, ở chiến trường nhiều lần tôi vừa khóc vừa đào hố chôn đồng đội, nhiều đêm khiêng bạn bị thương vượt rừng về trạm phẫu tiền phương...

tiếng bạn rên la thắt nghẹn buồng tim …  
34 năm rồi, vết thương ấy trở trời lại nhức

Sao không hiện lên màn hình ?”

Viết về mất mát đau thương trong chiến tranh khốc liệt, đã có mấy thế hệ người viết, có hàng trăm ngàn tác phẩm đủ loại nghệ thuật giải bày…thế nhưng với “Siêu âm tim” của Ngô Minh, đây là những câu thơ mang nét rất riêng: lột tả bao sự thầm kín mà chắc và sắc như tre cật (giá trị thời sự sẽ còn nóng bỏng đến muôn năm sau nữa). Ngôn từ bài thơ bình dị, cách thể hiện giản đơn như là kể lể “dông dài” (kiểu - motip của các trường ca dân gian) rồi đột ngột...chìm xuống khiến ai đọc cũng phải khuỵu lòng (“tiếng bạn rên la thắt nghẹn buồng tim”). Người lính nói ra cái sự mình đã làm, mình đã đau, đã từng trải thì còn gì thiệt và nao lòng hơn? Đó là nét đặc biệt, sự độc đáo của bài thơ “Siêu âm tim”.

"Tuổi 40, không có đồng tiền để bỏ vào mê nón

                                      mệ ăn mày bên đường, tôi khóc
tuổi 60, nhìn dân quê dắt díu lang thang

                                        vì mất ruộng mất nhà, tôi khóc
khóc 42 người Quảng Hải đắm đò chết oan

                                                         vì không có cầu qua

 trái tim nhỏ bao phen nhàu nát

 Sao không hiện lên màn hình ?"

Đọc tới “thi khúc” này, tôi không thể không liên tưởng tới những bài thơ trong tập “Bắc hành tạp lục” của cụ Nguyễn Du – Đặc biệt không khí trong bài “Thái Bình mại ca giả”. Ta bắt gặp trái tim nhỏ máu của Nguyễn Du trước cha con người hát rong ăn xin ở phủ Thái Bình. Tuổi 40 của Ngô Minh thật giống đoạn đời này của Nguyễn Du khi phải giáp mặt nhưng lại bất lực trước các trái cảnh của cuộc đời mình chứng kiến.

"Và em nữa.

hòa bình về mất em tôi rỗng trái tim. 

Vết thương không thành sẹo
Sao không hiện lên màn hình ?

Trái tim tôi như củ khoai tía gọt vỏ tím hồng
phập phồng trên màn hình như hỏi:
- Bác sĩ ơi, máy siêu âm Nhật hiện đại nhất thế giới
sao không phát hiện ra ngàn vết thương tim

                                                buốt nhức kiếp người ?”

Toàn bài thơ có sức tố cáo như trong “Ba phút sự thật” của Phùng Quán: “Những câu chuyện còn lại của Phùng Quán, có cái là thực tại, có cái là quá khứ nhưng đều khiến người đọc xót xa. Biết làm sao, một thời đã qua của đất nước với bao nhiêu đau thương, bao nhiêu cực đoan, bao nhiêu tàn nhẫn của những bước chân sai lầm. Chỉ tiếc đến khi người ta nhìn ra sai lầm ấy, người ta hối hả sửa chữa thì người còn người mất” – Sách: “Ba phút sự thật – Phùng Quán”.

 Đồng quan điểm, bạn Nguyễn Thị Thanh Thúy (Khoa Văn ĐH SP Huế) |28 Feb 2015, 09:15 chia sẻ: “Rất xúc động khi đọc bài thơ "Siêu âm tim" qua sự phân tích, bình phẩm của Nhà báo Lê Quang Vinh. Anh đã liên tưởng và xâu chuỗi rất khéo tứ thơ Ngô Minh với tác phẩm nổi tiếng “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của Nhà thơ Huy Cận và bài thơ “Ba phút sự thật” của Phùng Quán. Cả 3 tác phẩm ra đời ở 3 thời kỳ lịch sử khác nhau nhưng có chung một câu hỏi, một câu chuyện rất lớn, rất gay gắt của cuộc đời: Công bằng, lẽ phải và tình yêu nhân quần!”.


Chữ “HIẾU” qua hình tượng thơ mở ra rồi gói lại trọn vẹn vào cuối bài thật đắc tình, đắc ý như vậy là “Đắc Hiếu” lắm với cha mẹ, đồng đội, người em trai đã khuất và muôn người yêu Ngô Minh, thơ Ngô Minh đang sống trên cõi đời này.

Để kết thúc bài viết, xin trích một đoạn comments của bạn Ngô Thanh Bình - Cần Thơ |28 Feb 2015, 08:51: “Bài phê bình của anh Lê Quang Vinh khiến tôi đọc kỹ lại bài thơ "Siêu âm tim" của Nhà thơ Ngô Minh. Tác giả bài viết chỉ ra rất đúng giá trị vô cùng cao quý của chữ "Hiếu" trong bài thơ. Chữ “Hiếu” ấy không nằm lại riêng trong cõi thương yêu cha mẹ, anh chị em ruột thịt nơi tổ ấm gia đình mà đã cùng Ngô Minh ra trận và hành xử rất cao cả với đồng đội, với đời: "Bác sĩ ơi, tim tôi từ lâu không còn lành lặnTuổi 20, ở chiến trường nhiều lần tôi vừa khóc vừa đào hố chôn đồng đội, nhiều đêm khiêng bạn bị thương vượt rừng về trạm phẫu tiền phương...tiếng bạn rên la thắt nghẹn buồng tim …  34 năm rồi, vết thương ấy trở trời lại nhức". Cũng một chữ Hiếu ấy, đúng như Lê Quang Vinh cảm nhận, Nhà thơ trang trải, chia sẻ cùng bao kiếp khốn cùng của "nhân quần": "mệ ăn mày bên đường", "42 người Quảng Hải đắm đò chết oan"...Cảm ơn rất nhiều hai tác giả Ngô Minh và Lê Quang Vinh!”.

 Thương Mạ, thương anh em Ngô Minh lắm, Ngô Minh à…

                                                                   

                                                  Hà Nội, 15 giờ 08’ ngày 21/3/2015                                                                  

(*) Ý kiến bạn đọc trích dẫn trong bài, được lấy từ các comments của bài “Ngày Thầy thuốc VN 27 - 2, đọc bài thơ “SIÊU ÂM TIM” của Thi sĩ Ngô Minh” – Lê Quang Vinh trên QUÀ TẶNG XỨ MƯA


  Ngô Minh

SIÊU ÂM TIM
   Kính dâng hương hồn ba mạ và đồng đội

  
Trái tim tôi như củ khoai tía gọt vỏ tím hồng
phập phồng màn hình siêu âm như hỏi
 - Làm sao tôi vẫn bình thường ?

Bác sĩ ơi,  tim tôi từ lâu không còn lành lặn
7 tuổi, ba bị bắt cùm chân . Mạ bảo "Trưa ni con bới cơm cho ba". Tôi ôm mo cơm đến chỗ giam, thấp thỏm mừng vì sắp được gặp ba. Bỗng thằng lính trợn mắt :" Chưa đến giờ, đ.mạ mày, đồ con phản động !". Rồi nó tung chân đá mo cơm trên tay tôi văng tơi bời  trên cát. Tôi khóc thấy tim mình cũng văng thành từng mảnh vụn đớn đau.

Lần đầu tiên tôi nhận ra không phải cứ người là tốt


Sao trái tim nát tan ấy không hiện lên màn hình ?



lên 7, ba tôi bị trói vào cọc xử bắn, súng nổ, bốn anh em

                                                        tôi ôm lấy mạ nấc lên,

12 phát đạn xuyên vào tim mạ tim tôi

53 năm rồi vết thương tim còn rỉ máu

Đó là lần đầu tiên tôi thấy con người thật ác ...


Sao không hiện lên màn hình ?



Mạ góa bụa nuôi con. Đêm đêm nước mắt khóc chồng

                          thương con thành a-xít xói mòn tim trẻ.

Tuổi 30 tôi thét lên khi mạ qua đời:" Răng con bỗng không còn mạ !" nước mắt mồ côi trào như sóng. 
Trái tim tôi mưng mủ đến bây giờ


Sao không hiện lên màn hình ?

Bác sĩ ơi, tim tôi từ lâu không còn lành lặn
Tuổi 20, ở chiến trường nhiều lần tôi vừa khóc vừa đào hố chôn đồng đội, nhiều đêm khiêng bạn bị thương vượt rừng về trạm phẫu tiền phương...

tiếng bạn rên la thắt nghẹn buồng tim …  
34 năm rồi, vết thương ấy trở trời lại nhức


Sao không hiện lên màn hình ?



Tuổi 40, không có đồng tiền để bỏ vào mê nón

                                      mệ ăn mày bên đường, tôi khóc
tuổi 60, nhìn dân quê dắt díu lang thang

                                        vì mất ruộng mất nhà, tôi khóc
khóc 42 người Quảng Hải đắm đò chết oan

                                                         vì không có cầu qua

 trái tim nhỏ bao phen nhàu nát

  Sao không hiện lên màn hình ?

Và em nữa.
hòa bình về mất em tôi rỗng trái tim. 
Vết thương không thành sẹo
Sao không hiện lên màn hình ?

Trái tim tôi như củ khoai tía gọt vỏ tím hồng
phập phồng trên màn hình như hỏi:
- Bác sĩ ơi, máy siêu âm Nhật hiện đại nhất thế giới
sao không phát hiện ra ngàn vết thương tim

                                                buốt nhức kiếp người ?
Trần Lê Hạnh An
BV Trung ương Huế




Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên