Powered By Blogger





Thursday 27 November 2014

Thiên nhiên đã nổi giận?







Viết Từ Saigon – RFA – 26 Nov 2014


nature

Đất lở, đá chuồi, lũ quét, động đất, mưa đá, bão tố quăng quật… Hàng loạt thiên tai xuất hiện dày đặc và cuồng bạo ở khắp ba miền đất nước trong vài năm trở lại đây đã làm cho đời sống vốn nghèo khổ của đa phần người dân lại càng thêm khó khăn, ngột ngạt.
Thú rừng xuất hiện ngày càng nhiều ở đồng bằng sau mỗi trận lụt, và con người sau cái đói của ngày mưa tháng lũ lại hè nhau đi tìm thú để săn lùng, không có ngóc ngách nào là con người bỏ qua, từ đào đất tìm hang cho đến đặt bẫy, săn bắn, châm điện, ném thuốc nổ… Không có thủ đoạn nào là con người không dùng đến.
Khi con người càng điên cuồng với thiên nhiên, cái giá phải trả là thiên nhiên nổi cơn thịnh nộ bằng thiên tai, dịch hoạ, hiện tượng lạ bất lợi cho đời sống con người và hàng loạt những tai ương như một ẩn số luôn phục kích loài người.
Một tháng nay, hầu như cả miền Trung náo động vì chuyện rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày thêm nhiều và số người bị loài rắn này cắn ngày càng gia tăng. Báo chí trong nước đã đồng loạt đưa tin về chuyện này. Có nhiều cách đặt vấn đề khác nhau, trong đó có người nghi ngại “nước lạ“ đã lén lút thả loài rắn này để cắn người Việt Nam, cũng có nhiều người lại nghiêng về giả thuyết thiên nhiên đã nổi giận.
Ở hướng giả thuyết thiên nhiên nổi giận, người ta nói về sự mất cân bằng sinh thái, sự mất đi số lượng quá lớn của cầy, cáo, chuột… Đã làm ảnh hưởng nặng nề đến nguồn thức ăn cũng như loài khắc tinh của rắn lục đôi đỏ, khiến nó trở nên hung dữ và tìm xuống đồng bằng để tìm thức ăn…
Nhưng trong giả thuyết này không đặt câu hỏi: Loài rắn này vốn dĩ không quen với môi trường đồng bằng, chủ yếu sống trên các dãy núi, trong đó phần lớn sống trong dãy Trường Sơn, làm thế nào nó đã thiên di hàng trăm cây số xuống đồng bằng để sinh sống? Và tại sao nó chỉ xuất hiện ở miền Trung? Và đáng sợ hơn cả là loài rắn vốn không sống trong môi trường nước này hiện tại có khả năng di chuyển trong nước rất nhanh, có thể sống trong môi trường nước một cách bình thường.
Phải chăng chỉ có miền Trung thường xuyên xãy ra lũ lụt, đặc biệt trong vài năm trở lại đây, sau những trận lụt lớn, ở đồng bằng xuất hiện nhiều thú rừng, rắn lục đuôi đỏ cũng là một trong những loài bò sát đã thiên di theo dòng nước nhưng con người chưa phát hiện, chưa săn bắt vì loài này có trọng lượng không lớn, sống kín đáo trong các lùm cây?!
Và những công trình thuỷ điện, hồ chứa mọc lên khắp miền Trung nhấn chìm hàng triệu mét vuông rừng tự nhiên vào lòng hồ cũng đã nhấn chìm hàng ngàn loài thú rừng xuống nước. Để thich nghi và tồn tại, loài rắn này tập làm quen với môi trường nước. Chính dòng nước lũ đã đưa chúng về đồng bằng?
Ở đồng bằng hiếm hoi chồn,cầy rừng, chỉ có chó nhà nhưng chó nhà không dám ra đường vì sợ bọn người đập trộm, chính vì thế, điều kiện sinh tồn của nó rấn đuôi đỏ rất cao. Đặc biệt năm nay tuy có mưa, độ ẩm cao nhưng thuỷ điện không xả đập, không có lụt, loài rắn này tha hồ sinh sôi nay nở vì gặp thời tiết thuận lợi… Thật là đáng sợ khi nghĩ đến chuyện môt ngày nào đó thuỷ điện xả lũ, nước tràn về bất ngờ, mọi thứ giao thông tê liệt, loài rắn này bò lỏm ngỏm trong dòng nước… Lúc đó, tai hoạ khó mà lường được!
Nhưng có phải vì thế mà tìm cách giết sạch loài rắn này? Câu hỏi này rất quan trọng đối với người Việt Nam. Với thói quen chỉ nhìn thấy trước mắt, đa phần nông nổi, thiếu tầm nhìn chiến lược, đã có hàng ngàn bài học trả giá bằng máu và nước mắt kể từ khi “thống nhất đất nước” đến nay nhưng người ta vẫn cứ để tái diễn bởi lòng tham và sự nông cạn.
Ngay ở trung tâm thành phố Sài Gòn và Hà Nội, nơi được xem là trung tâm kinh tế, văn hoá của hai đầu đất nước, người ta có thể ngang nhiên chặt bỏ hàng trăm cây gỗ lớn thuộc vào hàng cổ thụ trăm năm. Trong khi đó, để có một cổ thụ, phải tốn rất nhiều năm, thậm chí vài trăm năm, vài mươi thế hệ để trồng, chăm sóc và giữ gìn.
Nhưng để xây dựng bất kì công trình nào cho dù vĩ đại, tầm cỡ quốc tế, lịch sử gi gì đó, người ta cũng không tốn quá mười năm.  Điều đó cho thấy người ta đã mang cái hàng trăm, hàng ngàn năm ra đổi lấy cái vài năm. Cách làm này, con người tiến bộ và biết suy nghĩ không bao giờ chọn, bởi nó không chỉ mang tính lich sử, nhân văn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của con người.
Một cây gỗ rừng phải tốn đến cả vài trăm năm, thậm chí những cây gỗ lớn, thuộc hàng danh mộc có thể sống cả ngàn năm nơi rừng thiêng, nhưng, với con người, đó là món hời để ốp trần nhà, ốp tường, thậm chí lót sàn để thể hiện “đẳng cấp”. Không ai dám trả lời ngôi nhà tồn tại được bao lâu, khi nào người ta sẽ đập phá để xây dựng cái mới nhưng cái cây thì chắc chắn mất đi vĩnh viễn!
Cũng như để ngồi nhậu với nhau vài giờ đồng hồ, người ta sẵn sang bỏ ra hàng đống tiền để giết chết một con vật đã tồn tại và giúp con người cân bằng sinh thái mấy mươi năm. Không ai trả lời được là bữa nhậu giúp ích được gì và sự ích lợi này kéo dài được mấy năm.
Chung qui, để thoả mãn sự ham thích, lòng tham ngắn ngủi, con người đã bất chấp đánh đổi những gì vốn dĩ tồn tại lâu năm, có quan hệ mật thiết với đời sống của đồng loại cũng như đời sống của hành tinh này. Nhưng, ai đã đánh đổi?
Một người nghèo có đủ khả năng ốp trần nhà, ốp tường nhà, lót sàn nhà bằng gỗ quí, gỗ lâu năm? Một phó thường dân có đủ khả năng chi trả một bữa nhậu thịt rừng quí hiếm trong nhà hàng sang trọng? Không, chỉ có những quan chức, những triệu phú, tư bản đỏ mới đủ khả năng làm chuyện này!
Đến đây, không cần nói gì thêm, ngay cả bài học thời niên thiếu dưới mái trường Cộng sản xã hội chủ nghĩa về một đất nước “rừng vàng biển bạc…” cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất nước khô kiệt tài nguyên, thú hoang tan loạn chạy và đụng chạm với con người như hiện tại.
Thiên nhiên đã nổi giận. Nhưng nổi giận với ai? Và ai đang hưởng thụ, ai đang trả giá cho việc hưởng thụ ngu xuẩn đó. Đã đến lúc cần phải trả lời rốt ráo và giải quyết triệt để câu hỏi này!

Wednesday 26 November 2014

Ai sẽ nhìn ra biển?






Bà Ruby Holt, một người vừa kỷ niệm tuổi 101 của mình ở bang Tennessee, Mỹ. Suốt cuộc đời của bà chỉ quẩn quanh ở ngôi nhà của mình và nơi làm việc. Sống bằng nghề thu hoạch bông vải, thanh bạch và cần mẫn, bà Ruby Holt đã nuôi lớn 4 đứa con của mình nhưng chưa bao giờ có dư dả để có được một chuyến đi xa khỏi nơi trú ngụ.

Trước ngày kỷ niệm bà 101 tuổi, khi được hỏi về một ước muốn cuối đời, bà Ruby Holt im lặng một lúc rồi nói bà chỉ muốn được nhìn thấy biển. Suốt cuộc đời quẩn quanh với cánh đồng và những rặng núi xa xa, bà Ruby Holt chỉ thấy biển qua truyền hình, qua tạp chí… “Người ta nói biển đẹp lắm, nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội đi đến”, bà Ruby Holt nói với vẻ ngại ngùng, chất phác.

Cùng với gia đình, bà Ruby Holt được đưa đi đến bãi biển ở Vịnh Mexico. Hình ảnh cụ bà sống qua một thế kỷ lần đầu tiên nhìn thấy, chạm chân vào cát và nước biển đã làm cho nhiều người xúc động đến rơi nước mắt. Như một đứa trẻ, bà Ruby Holt dè dặt nhúng chân vào một làn nước biển và mỉm cười. “Lạnh há”, bà Ruby móm mém nói.

Thật khó mà diễn tả được cảm nhận của con người khi đứng trước biển, cảm nhận sự vĩ đại của thiên nhiên, cảm nhận được sự nhỏ bé của mình. Nhưng với bà Ruby Holt thì cảm giác đó có lẽ còn nhiều hơn nữa vì trước khi vào cõi vô định, bà lại chứng kiến điều thật lớn lao trong cảm giác và ước muốn của mình – một ước muốn lương thiện. Cô đơn ngồi trước biển, sẽ khó có ai hơn bà Ruby khi cảm nhận sự phù du của cuộc sống, sự vô nghĩa của cuộc sống của con người, dù có sống được đến trăm năm.

Người ta kể lại rằng bà Ruby Holt ngồi im lặng rất lâu trước biển. Bà nhìn về cuối chân trời, nơi không có gì nơi đó, ngoài những làn sóng dịu dàng đuổi nhau đến bờ cát nơi bà ngồi. Những cánh chim bay thoáng qua bầu trời và ánh nắng chiều toả lan trên nét mặt răn reo của bà, như muốn sưởi ấm cho bà trong một ngày gió lạnh.

Điều làm cho rất nhiều người im lặng, nghĩ về mình, khi chứng kiến bà cụ 100 tuổi ngồi trước biển, như một cuộc từ giã đầy ý nghĩa với địa cầu. Người phụ nữ đó đã suốt trọn vẹn một cuộc đời thanh bạch, chưa biết đến bất kỳ một điều xa xỉ nào. Ấy thế khi chọn điều ước cuối, người phụ nữ đó lại chọn một điều bình dị khó ngờ. Tâm hồn của một người lương thiện sáng như một ánh cầu vồng, thanh thản đối diện trước đoạn đường cuối cuộc đời bằng nắng và gió, và sóng biển. Tất cả những điều đó không thể diễn tả hết bằng âm nhạc hay thi ca, mà chỉ bằng sự yêu mến và cảm nhận cuộc sống này.

Trong những câu chuyện biết được trong cùng một thời gian, còn có việc ông tổng thanh tra Trần Văn Truyền ở Việt Nam bị phát hiện có một khối tài sản khổng lồ. Nhiều ngôi nhà và đất đai của một viên chức nhà nước, mà theo lương chính thức công bố th oong taì chỉ có thu nhập vài chục triệu đồng một năm. Khối tài sản lớn đến mức nếu chiếu theo thu nhập công khai đó, nhiều thế hệ dòng họ của ông Trần Văn Truyền có làm cật lực thì chỉ mới mong có được một phần.

Khác với bà cụ 100 tuổi Ruby Holt, ông Truyền không nhìn thấy cánh đồng, không nhìn thấy cuộc đời của mình với sóng biển hay nắng, mà cái nhìn của ông chỉ hướng về nhà, xe, tiền của… nhưng quan trọng hơn, đó là của cải không thuộc về mình. Ông Truyền chỉ nhìn thấy những thứ nơi giam hãm cái nhìn con người ông vào những góc tù ngục nhất trong trái tim.

Bà Ruby Holt suốt cuộc đời, chưa thấy ai nói rằng bà tuyên bố mình là người lương thiện. Nhưng ông Truyền thì có. Trong cuộc chiến được giao phó trách nhiêm chống lại những kẻ bòn rút, cắn xé tài nguyên quốc gia, thụ hưởng cả từng đồng xu lẻ tiền thuế của dân nghèo Việt Nam, ông Truyền có tuyên bố nhiều lần mình là người tốt, là người sẽ không khoan nhượng với những kẻ xấu.

Có bao nhiêu người Việt nghèo khó và lương thiện trên đất nước này chưa bao giờ có thể đi xa khỏi nơi mình ở, chưa bao giờ thấy cái gì khác hơn ngoài mái tranh và ruộng vườn bấp bênh của mình? Và có bao nhiêu những người như ông Truyền, với cuộc sống không còn nhìn thấy gì ngoài dối trá, danh lợi và cưỡng bức tài nguyên của mảnh đất mình sinh ra? Khác bà Ruby Holt và những người Việt quẩn quanh ở quê nhà của mình, ông Trần Văn Truyền ắt đã đi nhiều nơi, đã từng ngồi ở những resort thượng hạng. Nhưng ngay khi đối diện với biển và tương lai, chắc ông Truyền cũng đã không còn đủ sự lương thiện để nghĩ về sự nhỏ nhoi vô minh đời mình, ngoài từ việc mơ cất thêm những mái lầu cao, và những con số để lừa gạt mọi người?

Tôi cũng tự hỏi có bao nhiêu người như ông Truyền đọc được những dòng này và suy nghĩ cho phần mình? Ai trong số họ sẽ một lần ngồi trước biển như cụ bà Ruby Holt, im lặng và nghĩ suy bằng mầm lương thiện sót lại?




Tuấn Khanh
Blog Tuấn Khanh








Tuesday 25 November 2014

VTV lại NGU DÂN nữa rồi!









Hồi nhỏ trước nhà có con mương mà tụi trẻ con chúng tôi lao xuống bơi mỗi ngày. Có một hôm, tắm xong, lên nhà tắm lại nước sạch, lơn tơn đi mặc quần áo thì thấy giữa nhà có một con đỉa no căng đang nằm thư giãn trên nền đất. Giật bắn cả mình. Không hiểu vì sao nó có thể bò lên tận nhà kiếm mình. Nhìn xuống bẹn bỗng thấy một vệt máu tươi roi rói rỉ ra từ cái vết tròn đặc trưng của “nụ hôn đỉa”. Hóa ra nó đeo theo mình bấy lâu mà mình không biết. Và khi lên đến nhà thì nó no căng bụng, buông mình xuống đất nghỉ ngơi. Hú hồn, nó mà leo thêm tí nữa thì biết đâu lại có cuộc đại chiến giữa 2 con đỉa rùi!

Loài vật có sức sống mãnh liệt này quả là đáng sợ, không chỉ vì nó hút máu người mà còn đáng sợ hơn vì cái cơ thể dẻo hơn kẹo kéo của nó có thể kéo dãn ra như sợi cước và chui vào bất cứ ngóc ngách nào nó vớ được. Không những thế người ta còn đồn thổi về khả năng tái sinh từ đống tro tàn của nó, hệt như truyền thuyết về phượng hoàng của phương Tây. À, thậm chí còn hơn phượng hoàng vì theo thuyết tái sinh của đỉa thì 1 con bị đốt thành tro có thể tái sinh thành hàng trăm con đỉa con. Chỉ cần có nước!

Tuổi thơ mình cũng tin sái cổ vào cái thuyết này và con đỉa trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất!

Thời gian như đưa nôi, trải qua 3 – 4 đời nhà đỉa (tuổi thọ trung bình của đỉa khoảng 6 năm nhưng có thể sống đến 20 năm), khi thế kỷ thứ 21 trôi qua được cả chục năm, bỗng dưng rộ lên tin đồn có đỉa trong sữa, trong bim bim, mì tôm,… làm thiên hạ náo loạn. Các loại “nhà” phải vào cuộc để giải oan cho đỉa.

Ngỡ như chuyện đã qua, ấy vậy mà hôm nay truyền thuyết về đỉa tưởng đã chôn vùi cùng tuổi thơ dại khờ lại được tái sinh trong chương trình “Đấu trường 100″ (ngày 24/11/2014) trên kênh VTV3 của đài truyền hình quốc gia VN. Trong chương trình “đấu trí” này, ban tổ chức đã đưa ra câu hỏi là: “Loài động vật nào dù bị đốt thành than chỉ còn lại vài tế bào vẫn có thể phát triển thành một cá thể mới?” với 3 đáp án trả lời là: A – Nghêu ; B – Cua ; C – Đỉa. Lẽ tất nhiên, người chơi sẽ chọn câu trả lời C theo đúng “truyền thuyết”.

Phải chăng VTV có vẻ vẫn đang thăng hoa trên con đường “ngu dân” của mình?

Trích 1 tí thông tin trên từ điển mở Wikpedia cho nhà đài thưởng lãm nhé: “Đỉa là một bộ sinh vật sống dưới nước thuộc ngành Giun đốt (Annelida) với đặc trưng cơ bản nhất là tổ chức cơ thể đã xuất hiện xoang cơ thể chính thức, cơ thể có phân đốt, hô hấp bằng mang. Cơ thể của Giun đốt nói chung cũng như Đỉa nói riêng gồm một chuỗi các đơn vị giống nhau được gọi là các đốt. Giữa các đốt có vách ngăn. Với cấu trúc này khiến cho mỗi đốt là một phần của cơ thể, có thể điều chỉnh ở một mức độ nhất định hoạt động chung của cơ thể. Đó là lý do chủ yếu cho việc khi cắt/gây tổn thương cá thể ở một số vị trí nhất định thì cá thể đỉa cũng như giun đốt có khả năng tái sinh và hình thành nên cá thể mới. Tuy nhiên, sự tái sinh này là hữu hạn, nếu làm phá vỡ cấu trúc thể xoang thì dù chỉ cắt cá thể ra làm đôi thì cá thể cũng không có khả năng tái sinh. Mặt khác, ngành Giun đốt đã xuất hiện hệ thống tuần hoàn kín, nên nó cũng sẽ không có khả năng tái sinh trong điều kiện đã phơi khô hoặc đốt cháy.”

Và MC Thái Tuấn của chương trình này có vẻ như đã đọc qua thông tin này trên Wikipedia nên trông anh không tự tin và ngượng ngập khi giải thích về đáp án này.

Nếu ai còn chưa yên tâm về những thông tin mà trang Wiki này đưa ra thì có thể tự trả lời câu hỏi này: Trong Đông Y, đỉa được phơi khô, xắt thật nhỏ, sao vàng đậm mà dùng. Vị thuốc này gọi là “thủy điệt” hoặc “mã hoàng”, có tác dụng làm tan huyết khối, trị mụn nhọt, phong lở… Vậy thì, người ta dám làm và uống vào cơ thể một thứ thuốc từ loài động vật mà “dù bị đốt thành than chỉ còn lại vài tế bào vẫn có thể phát triển thành một cá thể mới”?

Ngoài ra còn rất nhiều thông tin thú vị về loài động vật này mà các bạn có thể tham khảo tại trang web: http://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=58&cat=936&ID=2437

Rõ ràng truyền thuyết về đỉa có thể sẽ còn gây tranh cãi dài dài trong thiên hạ nhưng sự xuống cấp về trình độ chuyên môn, kiến thức và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận không nhỏ những người làm truyền hình của VTV, qua những sự kiện liên tiếp gần đây, là bất khả phủ nhận.

TÁC GIẢ Nguyễn Thanh Tùng





Có một giới siêu giàu khác







Wealth - X và Ngân hàng Thụy Sĩ (UBS) vừa công bố báo cáo những người siêu giàu trên thế giới năm 2014. Trong đó Việt Nam có 210 đại diện với tổng tài sản trị giá 20 tỉ USD. Theo tiêu chí của Wealth - X và UBS, người siêu giàu là người có tài sản trên 30 triệu USD.

Các kênh thông tin không nói rõ hai tổ chức này thống kê từ nguồn nào để có kết quả trên, nhưng có thể họ chỉ chọn trong giới doanh nhân. Thật vui khi Việt Nam có thêm 15 người siêu giàu góp mặt với giới siêu giàu thế giới. 

Nhưng người siêu giàu của Việt Nam e không chỉ có thế. Có những người giàu nhưng không cần phải đi kinh doanh, không cần mở doanh nghiệp, không cần sản xuất sản phẩm hàng hóa. 

Những người này nhìn các đại gia xếp hạng hằng năm ở trên sàn với con mắt bề trên. Với họ, những doanh nhân giàu có ồn ào bề nổi đó có chi đáng kể. Cho nên, Wealth - X và UBS thống kê số người siêu giàu ở đâu có thể được, ở Việt Nam e rằng trật lất.

Ở Việt Nam còn có giới siêu giàu bằng “kinh doanh” con dấu và chữ ký.

Những người giàu có nhờ bàn tay khối óc, nhờ giỏi kinh doanh thì đóng góp cho đất nước, giúp ích cho xã hội rất lớn. Họ tạo ra sản phẩm, tạo ra việc làm, đóng thuế cho nhà nước. Họ đi một chiếc xe đắt tiền, ở biệt thự sang trọng hoàn toàn xứng đáng. Các ông chủ lớn như Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức sắm lâu đài hay tậu máy bay riêng cũng ngẩng mặt cao nhìn thiên hạ chứ không thèm lén lút.

Những người giàu có bằng “kinh doanh” con dấu và chữ ký không những không đóng góp gì cho đất nước mà là những kẻ phá hoại. Họ không đóng đồng bạc thuế nào cho nhà nước. Ngược lại, họ ăn vào đồng tiền thuế của người dân, doanh nghiệp đóng góp. Sự khác biệt chính là chỗ này.

Và sự khác biệt còn ở chỗ khác, đó là người giàu nhờ “kinh doanh” con dấu và chữ ký đi xe xịn thì dân khinh, ở biệt thự to thì dân chửi, có nhiều tài sản thì dân biết chắc là do tham nhũng. Cho dù họ không bị pháp luật sờ gáy thì người dân cũng biết họ là những tội phạm.

Mới đây, Trung Quốc bắt những kẻ giàu có kiểu này. Tiền tham nhũng cất trong nhà cân được hàng tấn, vàng bạc chưa kể, nhà cửa đất đai chưa tính. Họ là những người siêu giàu nhưng làm giàu trên máu xương của dân chúng. Quốc gia nào có nhiều kẻ siêu giàu như vậy thì quốc gia đó sẽ bị suy yếu.

Nhưng quốc gia nào có tội phạm siêu giàu mà không phát hiện, trừng trị được còn lụn bại hơn.


Lê Thanh Phong
Theo Lao động







Monday 24 November 2014

Gửi bác bộ trưởng bộ giáo dục








Sách giáo khoa anh văn lớp 3 của Nepal

Cháu tên Linh. Dĩ nhiên bác không cần nhớ tên cháu làm gì. Cũng như đã lâu rồi cháu chẳng còn quan tâm ai là Bộ trưởng Bộ GD vậy. Nhưng nói chung, làm người đâu nhất thiết phải nhớ tên nhau. Chỉ cần chúng ta có một câu chuyện chung để nói. Thế là đủ rồi bác nhỉ.

Chuyện kể là, hôm qua, cháu ngồi ở thư viện trường Shree Sarbodaya quận Syanja - Nepal. Cháu dành cả một ngày đọc sách giáo khoa English để hiểu cách dạy English của người Nepal. Dĩ nhiên, người Nepal dạy English không tốt đâu. Vì họ không có tiền để mua tivi, băng đĩa, không có phương tiện cho học sinh nghe người bản xứ nói chuyện, thậm chí đến cả cuốn từ điển giấy họ còn túng thiếu bác ạ( túng thiếu đến cỡ nào cháu sẽ có 1 bài viết để kể sau). Nhưng so với Việt Nam thì English của họ giỏi hơn nhiều. Dĩ nhiên, Nepal đúng là một nước nghèo, nghèo xếp hạng top nghèo nhất thế giới ấy. Nhưng cần so sánh với trình độ GD của 1 nước nghèo để thấy rằng trình độ của nước mình ở đâu. Và giờ, có mấy điều cháu muốn trao đổi với bác như sau:

1. Cháu đọc SGK English của học sinh Nepal từ lớp 1 đến lớp 5.

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 1 Nepal là chuyện chào hỏi. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 2 nói chuyện đi đến trường. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 3 kể lại nhật ký một ngày của cô bé Lilu. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 4 dạy bạn phải biết Be careful với câu chuyện cậu bé Raj vừa đi vừa chơi game mà không để ý thấy cây cầu bị gãy.

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 5 hỏi, "What do you want?" và kể chuyện người cha già có đứa con bị ở tù. Ổng ra vườn trồng khoai tây và ước giá mà có đứa con trai ở đây để đào lỗ cho ổng trồng. Thế là ổng viết thư cho con trai. Mỗi bài học thể hiện độ khó khác nhau bác ạ. Thậm chí ngoài English, họ còn có 2 môn học khác là Văn hoá xã hội và Khoa học - Sức khoẻ cũng hoàn toàn được viết bằng English và nằm trong môn học chính của học sinh.

Cháu lập tức nhắn về Việt Nam, nhờ đứa bạn thân chạy ra hiệu sách, chụp cho cháu xem SGK English từ 1-5 dạy cái gì. Bác biết gì không?

Bài học đầu tiên của SGK 1 dạy Hello. Bài học của sách SGK 2 là dạy câu "where are you from". Bài học của SGK 3 dạy lại Hello. Bài học đầu tiên của SGK 4 dạy câu "How're you". Bài học đầu tiên của SGK 5 dạy lại câu "where're you from".

Cháu hoảng hồn bác ạ. Cháu không biết vì bác nghi ngờ trình độ của học sinh VN quá kém nên có mỗi 3 câu "hello, how're you, where're you from" mà bác bắt chúng phải học đi học lại suốt 5 năm học như thế hay không?

Hay là tại những người soạn sách không biết gì hơn để mà soạn?

Hay tại chúng ta quan niệm, 5 năm, học được 3 câu đó là đã quá nhiều rồi?
Bác biết không, học sinh ở độ tuổi càng nhỏ thì khả năng tiếp cận ngôn ngữ càng tốt. Vì lúc đó bộ nhớ của chúng chưa sử dụng để ghi nhớ những điều phức tạp, những chuyện kiếm tiền, yêu đương. Nên cháu buồn khi thấy chúng ta bắt các em học quá nhiều thứ về toán lý hoá nhưng lại lo sợ trí nhớ của các em không đủ để học English. Buồn cười nhỉ.

2. Để dạy học sinh Nepal hiểu English, nhớ English, người Nepal bắt đầu bài học bằng những câu chuyện. Chuyện kể cô bé Deepa làm việc này việc kia. Chuyện kể gia đình cu cậu Ramesh thế này thế nọ. Cô giáo sau khi dạy học sinh về câu chuyện sẽ hỏi lại học sinh câu chuyện đó kể gì, cô bé Deepa làm gì, cậu Ramesh bị gì. Học sinh trả lời và ghi nhớ.

Để dạy học sinh Việt Nam hiểu English, các nhà soạn sách VN soạn ra những đoạn hội thoại chẳng có ý nghĩa gì và bắt học sinh học lại đoạn hội thoại đó để ứng dụng như một con vẹt. Theo bác, việc ghi nhớ nội dung câu chuyện dễ hơn hay khó hơn ghi nhớ một đoạn hội thoại dễ hơn?

3. Người Nepal soạn sách giáo khoa để dạy người Nepal. Thế nên những câu chuyện họ viết, những đề tài họ dạy liên quan đến đời sống, văn hoá hàng ngày của họ.

Họ nói về đỉnh Everest, nói về thủ đô Kathmandu, nói về những cậu bé, cô bé với những cái tên rất Nepal như Gauri, Sunda... Đó là cách họ khiến học sinh hứng thú với môn English vì nó gần gũi, dễ hiểu. Đó cũng là cách họ từ hào về đất nước họ.

Chúng ta - trong đó có bác - luôn nói tự hào về Việt Nam. Nhưng có bao giờ bác nhìn SGK English của người Việt để xem sách viết gì không?

Sách viết câu chuyện của Tom, của Peter, của Marry...những cái tên không phải của người Việt. Sách kể chuyện My hometown nhưng cái Hometown ấy là London.

Sách kể về món bánh nhưng không phải là bánh chưng, bánh giày bánh mì thịt nướng mà là bánh Pizza.

Thế nên cháu muốn hỏi là, có phải vì chúng ta không đủ kinh phí để soạn một cuốn sách dạy English nhưng nội dung xoay quanh đời sống Việt không? Hay là những nhà soạn sách họ không nghĩ ra cái gì hay ho hơn nên phải dùng những câu chuyện của nước khác. Để đến khi người nước ngoài họ hỏi cái món bánh nổi tiếng nhất ở nước mày là món gì thì học sinh bảo là pizza vì chúng không biết từ bánh mì thịt nướng trong English nói thế nào.

Nếu mà vì chúng ta nghèo quá, không có kinh phí, chỉ cần bác nói thôi, cháu sẽ huy động được một đội ngũ soạn được cuốn sách dạy English cho người Việt mà không cần lấy một đồng nào.

Còn nếu vì những người soạn sách họ không nghĩ ra cái gì hay ho hơn để viết, thì cũng chỉ cần bác nói thôi, cháu sẽ chỉ họ cách viết. Thí dụ như thay vì viết bài giảng "quê mày ở đâu hả Tom? Quê tao ở Mỹ, Peter ạ" thì cháu sẽ chỉ họ chuyển thành thế này "Quê mày ở đâu hả Tí? Quê tao ở Mỹ Tho Tèo ạ, là cái xứ ngày xưa bọn Mỹ đánh hoài mà không chiếm được ấy."

Cháu tin bọn học sinh sẽ hứng thú với câu chuyện của thằng Tí, thằng Tèo hơn câu chuyện của Tom và Peter ạ. Vì chúng cháu đã từng là những thằng Tí, thằng Tèo như thế.

5. Đã rất lâu rồi, chúng ta, hoặc vì lười biếng, hoặc vì bảo thủ, hoặc vì không muốn tiếp cận cái mới nên luôn tự ru ngủ nhau rằng, "là người Việt, chúng ta phải tự hào về văn hoá Việt, nên chúng ta cần học tiếng Việt chứ không phải English". Đó chắc là lý do mà kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa rồi English trở thành môn tự chọn và không có trong môn thi.

Nhưng cháu thì muốn đổi lại một chút thế này, "là người Việt, chúng ta cần tự hào về văn hoá Việt, nên chúng ta cần học English để nói cho thế giới biết về văn hoá của chúng ta đẹp như thế nào". Người Nepal đưa English thành ngôn ngữ chính, vì họ muốn kể câu chuyện văn hoá của đất nước họ cho thế giới biết. Nên cũng đã đến lúc chúng ta cần học theo như họ rồi bác ạ.

Nó giống như câu chuyện anh nông dân xây được cái nhà đẹp ấy. Nếu anh tự hào về ngôi nhà anh đẹp, thì anh phải tìm cách đi qua làng bên, nói cho người làng bên biết cái nhà anh đẹp thế nào để họ còn biết mà đến thăm. Nhưng chúng ta đã làm gì? Chúng ta đã bảo anh nông dân ấy nằm ở nhà, chổng mặt lên ngắm trần nhà và tự khen nhà mình đẹp thôi là đủ. Trong khi thế giới ngoài kia, có biết bao ngôi nhà đẹp hơn đang được xây nên mỗi ngày, bác ạ...


Va Li( Mỹ Linh )



Thursday 20 November 2014

Một quốc gia nhỏ chỉ ăn rồi chơi





Công chức Việt Nam thừa tự tin, nghị sĩ Mỹ tự thấy xấu hổ

Có lẽ không quốc gia nào mà cuộc sống của giới công chức chứa nhiều điều nghịch lý như ở Việt Nam: Lương không đủ sống nhưng lại thuộc thành phần khá giả của xã hội; đã vào biên chế là có thể nằm lỳ cho đến hết đời, ngang nhiên đòi hỏi mọi chế độ phúc lợi, ngay cả khi chẳng làm gì; là người làm thuê cho dân nhưng lại hành xử như ông chủ có quyền ban ơn; năng lực cũng như tinh thần trách nhiệm trước công việc phần lớn ở mức trung bình và thấpl, nhưng cực kỳ có khả năng trong việc kinh doanh “quyền lực Nhà nước” để tư lợi. ..Nhưng điều nghịch lý nhất là một nền hành chính cồng kềnh, ì ạch, dôi dư cả triệu người như vậy lại vẫn cứ đang tiếp tục ngày một phình to?

Không phải là do tôi bịa ra hiện thực đó. Trong một hội nghị có đưa tin trên truyền hình và sau đó hầu như các báo đều đưa lại, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thẳng ra rằng: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. Nói cách khác, cái số 30% công chức đó hoàn toàn không cần thiết, y như cái bướu trên cổ. Với 2,8 triệu công chức, chỉ cần làm phép tình nhẩm cũng ra ngay con số thuộc diện có cũng như không kia khoảng trên 800.000 người. Nghĩa là mỗi 100 người dân Việt Nam, phải nuôi không một ông (bà) vô công rồi nghề mang danh công chức! Vậy tại sao một nền dịch vụ công chỉ cần 2 triệu người, mà phải trả lương cho tận những gần ba triệu? Ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này? Trong khi chưa thể tìm ra câu trả lời, chúng tôi chỉ xin làm thứ công việc đơn giản hơn là giúp mọi người hình dung một phần cái gánh nặng vật chất và tinh thần mà cả xã hội đang phải è lưng chịu đựng, để “cõng” gần một triệu công chức dư thừa đó.

Trước hết, 800 ngàn người lớn đến mức nào? Đó là số dân (hơn kém chút ít) của Cyprus, Bahrain, Bhutan, Qatar, Đông Timor...Hay nó có quy mô gấp đôi dân số Luxemburg, Brunei, Malta, Iceland...

Thứ hai, và đây là vấn đề chính, cần bao nhiêu tiền để nuôi cái đám công chức thừa thãi ấy? Chắc chắn là không ai có thể tính chính xác, vì có những công chức thuộc loại dư thừa, nhưng lại hưởng mức thu nhập nhiều người mơ ước. Hẵng chỉ tính đơn giản thế này: Mỗi người trong số đó, vì họ là công chức, nên thuộc diện thu nhập trung bình khá (so với mức 1000 USD trung bình) sẽ nhận của Nhà nước khoảng 60 triệu đồng (gần 3000 USD) một năm. Nghĩa là cần số tiền lên tới 50.000 tỷ đồng (2,5 tỉ USD) cho việc chi lương để ngày ngày 800.000 người ăn mặc sang trọng chỉ để “sáng vác ô đến cơ quan, tối vác ô về nhà” mà không làm bất cứ việc gì. Tuy nhiên, số tiền phải bỏ ra phục vụ việc ngồi chơi xơi nước của “một quốc gia nhỏ” ấy trên thực tế còn lớn hơn nhiều. Theo thông lệ thì số tiền lương cho công chức chỉ bằng hai phần ba số tiền phải chi ra để họ có thể làm việc, được tính vào khoản duy trì hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đó là tiền thuê nhà, tiền điện, tiền điện thoại, tiền khấu hao tài sản, tiền phúc lợi, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chi phí đi lại và cơ man nào những thứ tiền khác được gọi bằng cái tên chung là văn phòng phí. Khiêm tốn tính gộp thì con số 50.000 tỉ đó phải cộng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng. Giờ ta thử xem 70.000 tỷ đồng nhiều đến mức nào? Nó nhiều hơn toàn bộ số tiền thu được từ xuất khẩu gạo năm 2012; nó bằng khoảng 10-12 lần số tiền phí bảo trì đường bộ mà Bộ GTVT dự kiến thu được hằng năm từ ô tô, xe máy với giá phải trả là hứng chịu biết bao lời chì chiết của dư luận; nó bằng già nửa số tiền 120.000 tỉ đồng cần để nâng cấp quốc lộ 1A lên thành đường bốn làn xe ô tô; nó giúp cho khoảng 7 triệu dân miền núi đủ gạo ăn trong một năm để không phá rừng. Nếu có ngần ấy số tiền, toàn bộ các xã nghèo miền núi có trường học, có chợ, có đường trải bê tông. Nó có thể mua được số bò giúp cho Chương trình Lục lạc vàng duy trì liên tục 150.000 buổi, với khoảng 900.000 gia đình nông dân thuộc dạng nghèo nhất nước có cơ hội đủ cơm ăn. Nó là con số dài tới mức mà không một nông dân bình thường nào đọc chính xác được.

Nhưng đấy mới chỉ tính về khoản vật chất, cho dù không hề nhỏ nhưng chưa chắc đã là lớn nhất. Tai họa của nạn biên chế tràn lan là nó khiến cho bộ máy hành chính công của chúng ta thuộc loại cồng kềnh, kém hiệu quả và lạc hậu vào loại nhất khu vực. Nhàn cư vi bất thiện. Vì không làm gì nên những ông, bà công chức thừa thãi trên trở thành những “con bệnh” của xã hội. Ta hãy xem họ làm gì mỗi ngày để tiêu hết 8 giờ vàng ngọc? Nếu là đàn ông thì phần lớn lướt web, chơi game oline, xem phim sex, tìm cách môi giới chạy chọt dự án. Thời gian còn lại ngồi nghĩ mưu kế tư lợi hoặc hại người khác. Còn với thành phần nữ giới thì mua sắm tối ngày, ăn uống, khoe của tối ngày, buôn dưa lê tối ngày... Nhiều người coi trụ sở cơ quan chẳng hơn gì cái bếp nhà mình, tranh thủ tận dụng điện nước miễn phí để nấu nướng. Số còn lại, nếu không làm những việc như trên, thì làm chim bói cá, cứ thấy ở đâu có mầu mỡ là đến. Cũng vì thừa dẫn đến lười, ích kỷ, đấu đá chèn ép nhau thay vì thực thi công vụ. Có rất nhiều người cả một đời công chức chỉ chuyên kiện cáo, lao vào đấu đá vì những lợi ích cá nhân. Nhưng lương của họ thì vẫn cứ đến hẹn lại lên. Chức của họ thì cứ thăng tiến theo tuổi tác. Kèm với lương với chức là đủ thứ tiêu chuẩn ưu đãi khác. Những công bộc này, về nguyên tắc là những người giúp việc cho “ông chủ” Nhân dân, nhưng trên thực tế cũng là những người quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tham lam, làm khổ “ông chủ” vào loại nhất thế giới. Làm bất cứ việc gì thuộc phạm vi chức phận cũng đòi lót tay. Trong bất cứ nhiệm vụ nào cũng lồng lợi ích của mình vào. Từ lái xe, nhân viên đóng dấu, nhân viên gác cổng...đến những người có tí chức, tí quyền đều là những kẻ chỉ thạo ăn tiền, vòi vĩnh, hạch sách...biến cửa Công đường thành nơi nhếch nhác, bất tín, đáng sợ hơn cả hang hùm. Nền đạo đức xã hội xuống cấp, có phần đóng góp không nhỏ của những thành phần được gọi là công chức ấy.

Nhưng thiệt hại vẫn chưa dừng lại ở đó. Nạn chạy chức chạy quyền thì ai cũng biết. Nhưng nạn chạy chọt để được thành công chức Nhà nước còn khốc liệt hơn và cũng bi hài hơn rất nhiều. Vì số người tham gia luôn rất đông, diễn ra trên một diện rộng, với sự tham gia của mọi thành phần. Nó làm hư hỏng cả người có quyền nhận và người được nhận. Người có quyền nhận thì một khi đã lấy tiền, đã nhúng chàm, làm sao còn dám yêu cầu cấp dưới phải nêu cao đạo đức, kỷ cương, nhân cách-ngoại trừ đó là một truyện hài! Người được nhận vào làm công chức thì cậy tiền nên không cần học, không cần trau dồi chuyên môn, coi thường kỉ cương, phép tắc. Đó là chưa kể họ phải tìm cách ăn chặn, ăn bẩn, vơ vét bằng mọi cách để bù lại số vốn đã bỏ ra.

Nhưng những bệnh tật trên, dù rất trầm trọng, nếu quyết tâm ngăn ngừa, vẫn còn nhiều hy vọng chữa chạy, dù rất tốn kém. Song có một thứ bệnh do nạn chạy công chức gây ra rất khó chữa, thuộc loại nan y, là bệnh ỷ lại, lười biếng và mất khả năng tự trọng. Căn bệnh thuộc loại lây nhiễm này có thể huỷ hoại nhân cách cả một thế hệ, góp phần làm nghèo đất nước. Người ta cần một cái bằng đại học với bất cứ giá nào đôi khi không phải để sau đó làm việc, cống hiến, mà để có cơ hội gia nhập cái đội quân công chức vốn là thừa thãi kia. Với những người này, cái điều đáng lẽ thành nỗi xấu hổ khi chả làm gì ngoài việc “sáng vác ô đi, tối vác ô về”, thì lại là mục tiêu phấn đấu, là sự nghiệp của đời họ.

Liệu có khác gì một thứ quốc nạn?

Tạ Duy Anh 






Wednesday 19 November 2014

Những bức tranh gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử hội hoạ








Bí ẩn của William Tell (The Enigma of William Tell), Salvador Dali





Nhìn vào bức hoạ này, cảm giác của người xem bùng dậy mãnh liệt, bị sốc và xáo trộn giữa sự kỳ quái, thô tục, khó chịu, chen lẫn kinh ngạc. Đây là một trong những bức tranh kỳ lạ nhất của Salvador Dali. (Bức này thuộc quyền sở hữu viện bảo tàng The Modern Museum ở Stockholm, Sweden).


Lý do nó gây tranh cãi không những ở đường lối nó thể hiện nhân vật William Tell một cách kỳ quái đầy ấn tượng mà nó còn ám chỉ hình tướng của lãnh tụ Lenin(Vladimir Lenin là một nhà cách mạng, nhà tư tưởng và chính trị nổi tiếng trong chủ nghĩa Marx Lenin).

Theo truyền thuyết, William Tell là một anh hùng dân gian của Thụy Sĩ, có tài thiện xạ và có sức khỏe phi thường. Ông nổi tiếng vì trong một hoàn cảnh bắt buộc, ông đã phải buông tên xẻ đôi quả táo trên đầu con mình. Khi tạo hình nhân vật này, Salvador Dali cũng đã liên tưởng đến cảm giác bất an của mình khi cha ruột ông thường đặt con mình vào tình thế hiểm nguy, hệt như William đã bắn trái táo trên đầu đứa bé, con mình.

Sự nổi danh gây dư luận của bức tranh khiến Andre Breton, người sáng lập trường phái siêu thực, sinh ghen tỵ. Ông và những người ủng hộ chủ nghĩa Marx-Lenin đã muốn tìm cách hủy hoại thanh danh và tên tuổi Dali. Họ cho rằng sự nổi tiếng của tranh Dali sẽ mang đến sự thương mại hoá và đe doạ đến giá trị của nghệ thuật trường phái siêu thực. Tuy nhiên càng đả phá, dèm pha, tranh Dali càng lẫy lừng.


Cưỡng Dâm(Le Viol, The Rape), René Magritte, 1935



Bức tranh này do một hoa sĩ người Bỉ vẽ năm 1935. Thoạt nhìn có người cho rằng bức hoạ thật buồn cười. Tuy nhiên nó rất ấn tượng và gây cảm xúc mạnh cho người xem. Magritte đã vẽ một bức tranh phụ nữ theo lối truyền thần thông thường nhưng lại thay đổi những chi tiết chính trên khuôn mặt. Đôi mắt được thay bằng hai núm vú mù, mũi là cái rốn sâu và miệng trở thành mảnh âm hộ hình tam giác. Tận dụng ý tưởng phong phú và phương pháp ẩn dụ của Siêu Thực, Magritte đã mang đến cho khách xem tranh một góc nhìn thô nhám, trần trụi của phái nam dành cho phái nữ: Khi nhìn vào phụ nữ, họ chỉ thấy cơ thể vật lý người nữ mà thôi.

Sự tranh cãi nổ ra chỉ vì sự diễn giải ý nghĩa bức tranh này. Cái nhan đề The Rape và hình ảnh đánh mạnh vào thị giác là trái bom gây sốc. Phần lớn người xem cho rằng Magritte đã ám chỉ đến thái độ của phái nam đối với phái nữ và chỉ xem họ như một đối tượng tình dục. Trong một liên tưởng với nghĩa rộng, chúng ta có thể nghĩ, thời điểm đó, xã hội đã xem nhẹ người phụ nữ, họ chỉ là một dẻ xương sườn của người nam, một bộ máy chỉ để sinh đẻ và làm tình không hơn không kém.

Susan Gubar trong một bài viết đã nhìn bức tranh của Magritte qua lăng kính một nhân vật tưởng tượng trong tiểu thuyết của nhà văn William Faulkne. “Một người đàn ông tán dương ý tưởng phụ nữ chỉ như một cái âm hộ không chân để khỏi bỏ đi, không tay để níu giữ và không đầu để nói năng nhiều chuyện và với một định nghĩa đơn giản hơn, họ chỉ là một cơ quan sinh dục”.
Bà còn lý luận thêm. Khi khuôn mặt với những cơ quan được hoán đổi trông chúng như vô hình, vô cảm và nó cũng ám chỉ một cái óc đần độn. Hơn thế nữa với cái nhan đề “Cưỡng dâm”, người đọc thấy ngay cái nghĩa dường như phụ nữ đáng phải bị hiếp dâm khi dung nhan của người nữ bị cưỡng đọat và thay thế bằng những bộ phận sinh dục. Điều này tựa như người phụ nữ bị đem ra chặt đầu và thay cho một cái đầu mới bằng cơ quan sinh dục trong khi khuôn mặt của họ trước đó là cửa sổ của linh hồn. Giờ cái đầu và linh hồn của họ chỉ còn trơ trẽn không gì hơn một vật dục.


Ngày phán xét cuối cùng (The last Judgment), Michelangelo



Bức “Ngày phán xét cuối cùng” trên tường thờ Nhà Nguyện Sistine là một kiệt tác trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật của Michelangelo. Hoạ phẩm này đã gây tranh luận dữ dội giữa nhà thờ Thiên Chúa Giáo và các người mến mộ những sản phẩm nghệ thuật của nhà danh tài xuất chúng Michelangelo. Toàn thể bức tranh đặc kín những hình ảnh khoả thân, kể cả Đấng Christ và Đức Mẹ Đồng Trinh. làm sửng sốt mắt nhìn người xem. Tuy nhiên những nơi
được xem là nhạy cảm trong tranh đã bị xoá đi hay che kín lại trong đợt trùng tu hồi thế kỷ thứ 16. Mãi đến giữa năm 1980 và 1994 bức hoạ mới được chỉnh sửa và phân nửa những nơi bị che đậy mới được tháo ra, phô bày những bí mật đã chôn sâu hàng thế kỷ.

Sự chống đối bùng dậy ngay khi hoạ phẩm được những nhân vật đứng đầu giáo hội Nhà Nguyện nhìn thấy. Những vị có chức sắc cao như Đức Hồng y Carafa và Sernini đã kết tội bức hoạ là vô đạo
đức, và dâm ô. Họ mở ra một chiến dịch vận động tẩy xoá và che đậy bức tranh lại. Vị trưởng lễ Biagio da Cesena nói rằng bức tranh này chỉ xứng đáng được vẽ ở quán rượu thay vì ở nhà thờ vì “có thể nó làm các con chiên liên tưởng đến những thú vui xác thịt”.

Michelangelo rất giận dữ về sự kết tội và chỉ trích của Biagio. Ông đã đáp lễ bằng cách vẽ thêm vào bức tranh nói trên khuôn mặt Biagio với đôi tai lừa tượng trưng cho thần Minos, với thân hình trần truồng bị một con rắn độc quấn ngang và cắn ngay vào.. “hạ bộ”. Theo giai thoại kể lại, khi phát hiện ra điều đó, viên trưởng lễ bất bình báo cáo với Giáo Hoàng, ngài nói đùa rằng: “Phạm vi quyền hạn của ngài chưa vươn được tới địa ngục.” Do đó bức vẽ thêm được để yên.

Điều gì sai trong bức tranh này ? Theo kinh thánh nó phải chuyển tải hàm ý linh hồn con người bất tử. Khái niệm Đấng Christ đang cố gắng cứu rỗi thế gian và Đức Mẹ Đồng Trinh đã được tặng dữ ngai vị cao trên tất cả các Thánh. Biagio bị sốc khi thấy Michelangelo dùng những hình tượng khoả thân tượng trưng cho sự nhục nhã, hổ thẹn và tội lỗi để vẽ. Những người đứng về phía Michelangelo lý luận rằng, Michelangelo yêu nghệ thuật hơn cả đức tin dù ông là người có đạo. Ông đã xem cái đẹp thể hình chính là cái đẹp của tâm hồn, nên ông đã vẽ tất cả các nhân vật trong tranh được khoả thân. Tôn giáo, đức tin và mỹ thuật được tranh cãi kịch liệt trong bức The Last Judgment này, tạo nên bao nhiêu dư luận mâu thuẫn kéo dài hàng bao thế kỷ.


Sưu tầm





Tuesday 18 November 2014

Mao Trạch Đông là tài sản âm của ĐCSTQ







26 tháng 12 năm 2013 là ngày kỷ niệm lần thứ 120 sinh nhật Mao Trạch Đông. Trong hơn một năm nhậm chức vừa qua, đương kim Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã tiến hành chỉnh sửa tác phong của Đảng, đẩy mạnh phê bình, tự phê bình, nhấn mạnh « Nhất định không được bỏ chủ nghĩa Mác-Lê, tư tưởng Mao Trạch Đông ; bỏ thì sẽ mất gốc v.v… » ; trong công tác lãnh đạo của ông thường xuyên xuất hiện các yếu tố Mao. Dư luận có những lời bình khác nhau về ý đồ và thực chất của việc đó.

Sự sùng bái cá nhân và thần thánh hóa Mao Trạch Đông của người Trung Quốc lên tới đỉnh điểm vào thời Đại cách mạng văn hóa ; từ khi tiến hành cải cách mở cửa đã dần dần bị xóa bỏ.

Thế nhưng mấy năm gần đây Mao Trạch Đông lại lần nữa trở thành một loại dấu hiệu của yêu cầu chính trị, Mao được đề cao và ca tụng ; cuộc tranh cãi nội bộ Trung Quốc về công tội, phải trái của Mao Trạch Đông ngày càng kịch liệt. Trong cuộc luận chiến đó, các nhân sĩ phái tự do đứng một bên, phái tả và cái gọi là « nhân sĩ phái Mao » đứng ở một bên khác, hai bên có quan điểm đối đầu nhau.

Những người ủng hộ Mao nói ông đem lại sự ổn định và thống nhất cho Trung Quốc ngày nay, thời đại Mao Trạch Đông tiêu biểu cho « công bằng », « thanh liêm ». Những người phản đối ông nhấn mạnh Mao Trạch Đông đem lại tai họa lớn và đau thương lớn cho xã hội, nhân dân và nhà nước Trung Quốc.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh Mao Trạch Đông, mạng BBC tiếng Trung đã phỏng vấn hai học giả đại diện cho hai loại quan điểm hoàn toàn khác nhau trong nước Trung Quốc. Đó là sử gia hiện đại Chương Lập Phàm [Zhang Lifan 章立凡] và Hàn Đức Cường [Han Deqiang韩德强] Giáo sư Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh, nhà sáng lập trang mạng « Miền quê hư ảo » [Wu you zhi xiang, Ô hữu chi hương]. BBC đăng hai bài phỏng vấn này vào hai ngày. Hôm nay đăng bài phỏng vấn Chương Lập Phàm.

Chương Lập Phàm là nhà sử học Trung Quốc, con trai cụ Chương Nãi Khí, đồng sáng lập Hội Xây dựng nước Trung Quốc dân chủ (Trung Quốc dân chủ kiến quốc hội) [1].

Tháng 6/2013, Chương Lập Phàm phát động cuộc bỏ phiếu về Mao Trạch Đông trên mạng Trung Quốc. Cuộc bỏ phiếu này kéo dài được 4 tháng thì bị cấm. Bỏ phiếu theo một trong hai lựa chọn : một là « Nếu phủ định Mao Trạch Đông thì Trung Quốc sẽ thiên hạ đại loạn » và một là « Nếu phủ định Mao Trạch Đông thì tương lai của Trung Quốc sẽ tốt đẹp hơn ». Kết quả : trong số hơn 18.000 người tham gia bỏ phiếu, 20% bỏ phiếu cho lựa chọn thứ nhất, 80% bỏ phiếu cho lựa chọn thứ hai.

Chương Lập Phàm cho rằng Mao Trạch Đông đã làm đứt quãng tiến trình Trung Quốc đi lên nền hiến chính dân chủ, đưa Trung Quốc vào ngõ cụt đấu tranh giai cấp, chuyên chính một đảng. Trong cuộc phỏng vấn, trước tiên Chương Lập Phàm nói về việc vì sao sự đánh giá Mao Trạch Đông của Trung Quốc hiện nay lại xuất hiện quan điểm đó.

Ý kiến của hai bên đối lập xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Quan điểm của cái gọi là « những người ủng hộ Mao » không có nghĩa là họ khẳng định chế độ. Trong số họ có khá nhiều người thực ra là bị tiến trình hiện đại hóa Trung Quốc gạt ra rìa, là người chịu thiệt trong quá trình phát triển kinh tế. Những người đó không có hệ tham chiếu nào khác, cho nên họ cho rằng muốn bình đẳng thì chỉ có trở về thời đại Mao. Trên thực tế, họ không tán thành thể chế hiện nay, chỉ có điều chẳng qua phương pháp giải thích của họ khác nhau. Thông thường chủ nghĩa dân túy hay tìm được thị trường trong đám người bị gạt ra rìa. Nhưng họ là đám người rất đáng thương, bị bán đi làm nô lệ mà còn đếm tiền giúp kẻ bán [2].
.
- Tầng lớp lãnh đạo ĐCSTQ một mặt nói không thể phủ định 30 năm trước cải cách mở cửa, nhưng mặt khác họ lại hạn chế việc công khai ca ngợi Mao Trạch Đông. Nên hiểu cách làm ấy của ĐCSTQ như thế nào ?

- Trên vấn đề này, họ ở vào trạng thái vô cùng mắc míu nan giải. Một mặt, trên thực tế Mao Trạch Đông là một tài sản âm [3] của ĐCSTQ. Nhưng họ lại không thể quẳng cái tài sản mất giá ấy đi. Bởi lẽ Mao Trạch Đông dẫn đầu ĐCSTQ xây dựng nên cái chính quyền này Nếu phủ định Mao thì họ e ngại tính hợp pháp sự cai trị của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong tình hình đó họ không dám từ bỏ Mao.
.
- Rõ ràng Mao Trạch Đông là nhân vật lịch sử có ảnh hưởng to lớn, có thể nói là quyết định đối với Trung Quốc. Ông đánh giá ra sao về công và tội của Mao ?
Trước đây ĐCSTQ đánh giá Mao 3 phần tội, 7 phần công. Sau này lại có sách nói nên đảo lại là 3 phần công, 7 phần tội.

Tôi cho rằng tội ác của Mao Trạch Đông là ở chỗ ông ta cắt đứt tiến trình Trung Quốc đi lên nền hiến chính dân chủ. Ông ấy dẫn Trung Quốc đi vào ngõ cụt đấu tranh giai cấp, chuyên chính một đảng.
.
Tất cả mọi cam kết về dân chủ và hiến chính của ĐCSTQ trước khi giành được chính quyền đều bị Mao vứt bỏ. Đó là mặt chính trị. Về mặt kinh tế, Mao Trạch Đông vốn hứa hẹn sẽ phát triển kinh tế tư bản tự do, nhưng 4 năm sau khi xây dựng chính quyền, ông ta đề ra đường lối chung của thời kỳ quá độ, lật đổ các hứa hẹn về kinh tế. Sau đó, Mao Trạch Đông làm cuộc cách mạng ruộng đất, dùng biện pháp giàu nghèo như nhau để giành được sự ủng hộ của nông dân, giành được chính quyền. Nhưng người bị thiệt hại cuối cùng lại vẫn là nông dân. Mao dùng phương thức hợp tác hóa nông nghiệp thu mất số ruộng đất [đã chia cho nông dân] ấy. Cho nên kết quả cuối cùng là qua cải tạo các nhà tư bản và hợp tác hóa nông nghiệp, ĐCSTQ trở thành địa chủ lớn nhất và nhà tư bản lớn nhất. Tình hình đó được duy trì liên tục cho tới nay.
.
Tai họa kinh tế gây ra bởi các điều nói trên là nạn đói lớn do phong trào Đại Nhảy vọt gây nên. Tai họa về chính trị là từ phong trào chống phái hữu cho đến Cách mạng văn hóa, đã lôi kéo toàn bộ người Trung Quốc vào một thảm họa chưa từng có trong lịch sử.
.
- Ông nói Mao Trạch Đông kéo Trung Quốc vào thảm họa, nhưng với tư cách là nhà khai quốc công thần, phải chăng ông ấy cũng có công lao đối với Trung Quốc ?

- Tôi nghĩ ông ấy chẳng có công lao gì. Đối với ĐCSTQ thì Mao Trạch Đông có công lao, nhưng đối với nhân dân thì tôi nghĩ không ra việc ông ấy có công lao gì. Các ghi chép tôi từng đọc đều nói ông ấy đem lại tai họa.

Có một cách nói cho rằng các tai họa Đại Nhảy vọt, Cách mạng văn hóa không phải là ý nguyện chủ quan của Mao Trạch Đông mà là sai lầm của ông ấy trong quá trình thăm dò tìm con đường cho Trung Quốc, không thể nói đó là tội.

Cách nói ấy không đứng vững được. Mao Trạch Đông là người mê say quyền lực nhất, thích chơi trò quyền lực nhất ; đồng thời ông ấy cũng là người ích kỷ nhất. Để giữ được quyền lực và địa vị của mình, Mao không ngần ngại lôi kéo dân chúng cả nước vào thảm họa và biển máu như Đại cách mạng văn hóa. Bởi thế Mao Trạch Đông cũng là người tàn nhẫn nhất.
.
-Từ góc độ của một nhà sử học, đem so sánh Mao Trạch Đông với các nhà quân chủ những triều đại trước, ông có thể rút ra kết luận gì ?

-Thực ra Mao Trạch Đông không có gì khác với những nhà quân chủ các triều đại trước, thậm chí còn không bằng một số khai quốc quân chủ trong lịch sử Trung Quốc. Nói chung các nhà quân chủ khai quốc, cái vương triều họ xây dựng chỉ cần nuôi sống gia đình và chính quyền của nhà quân chủ, nhưng vương triều Mao Trạch Đông xây dựng là một chế độ quân chủ tập thể. Dân Trung Quốc chẳng những phải nuôi sống chính quyền mà còn phải nuôi đảng, nuôi một quân chủ tập thể. Giá thành cao hơn nhiều. 

Ngoài ra, theo tôi thì những nhà quân chủ các triều đại trước đây nói chung không có sự trả thù quá mức đối với những người từng được triều đại cũ sử dụng, nói chung là dùng lại họ. Nhưng Mao Trạch Đông sau khi lên nắm quyền, riêng phong trào trấn áp phản cách mạng một lúc đã giết 7-80 vạn người. Khi trả thù triều đại trước hoặc kẻ địch chính trị, Mao Trạch Đông không nương tay mà vô cùng đẫm máu. Lại nói, qua việc tạo phản trong Cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông triệt để lật đổ văn hóa và đạo đức truyền thống của Trung Quốc. Ông ta sử dụng các tế bào của sự đảng hóa hoàn toàn thay đổi hết mọi tế bào của xã hội gia tộc và tôn giáo vốn có của Trung Quốc.

Xã hội Trung Quốc xảy ra sự thay đổi lớn thê thảm hết mức này đều có mối quan hệ cực lớn với sự thống trị của Mao Trạch Đông. Điểm này cho tới ngày nay, tuy rằng sau khi Mao Trạch Đông tạ thế, chúng ta đã ra khỏi cái vòng trói buộc của nền kinh tế kế hoạch, nhưng chúng ta vẫn còn chưa ra khỏi vòng trói buộc của chủ nghĩa Xtalin.

Theo cách nói của ông, việc Mao Trạch Đông nắm chính quyền đã đẩy người Trung Quốc vào tai họa. Nhưng tục ngữ nói Người đắc nhân tâm thì mới có thể lấy được thiên hạ !

Lừa đảo cũng có thể đạt được cùng mục đích ấy ! Mao Trạch Đông dùng một loạt thủ đoạn tự do dân chủ để giành được sự ủng hộ của thanh niên và giới trí thức, sau đó ông ta lại dùng lời hứa cho nông dân ruộng đất để giành được sự ủng hộ của nông dân. Mao Trạch Đông còn nói giai cấp vô sản phải được làm lãnh đạo nhà nước, nhờ thế ông giành được sự ủng hộ của công nhân. Thế nhưng điều chúng ta cần nhìn thấy là biểu hiện của Mao Trạch Đông sau khi ông ta giành được chính quyền. Thực ra các tầng lớp ấy đều bị Mao Trạch Đông lợi dụng. Họ không hề được hưởng những điều tốt đẹp mà Mao Trạch Đông từng hứa hẹn.
.
- Rốt cuộc Mao Trạch Đông để lại một di sản gì cho các nhà nắm chính quyền hiện nay, nếu nói Mao có một di sản nào đấy ?

-Di sản đích thực là cái chính quyền Mao Trạch Đông xây dựng nên. Cho nên điều mà các nhà nắm chính quyền hiện nay đang theo đuổi, về căn bản không phải là chính nghĩa gì đó của lịch sử, mục đích của họ là giữ lấy cái chính quyền này. Để giữ được chính quyền, nhà cầm quyền tất phải giữ lấy Mao Trạch Đông. Thế nhưng muốn giữ được Mao Trạch Đông thì họ không thể thanh toán các tội ác lịch sử kia của Mao. Kết quả là, các tệ nạn của hệ thống thể chế do Mao Trạch Đông xây dựng nên sẽ tồn tại y như cũ trong cái chính quyền này. Mao Trạch Đông là lời nguyền ma quỷ làm cho chủ nghĩa cộng sản không có cách nào tự giải thoát.
.
- Nếu khử bỏ cái lời nguyền ma quỷ đó và phủ định Mao Trạch Đông thì Trung Quốc sẽ xuất hiện tình hình như thế nào, liệu có thể xuất hiện thiên hạ đại loạn chăng ?

- Nhà cầm quyền hiện nay của Trung Quốc đang lo sẽ như vậy. Họ cho rằng Khơ-rút-xốp phủ định Xtalin gây ra trận động đất trong thế giới cộng sản. Kết quả bức thư ngỏ của Gooc-ba-chốp là làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô mất chính quyền. ĐCSTQ chỉ hấp thu bài học lịch sử ấy từ mặt tiêu cực ; trên thực tế họ chỉ quan tâm đến cái tư lợi của đảng này chứ không phải là lợi ích chung của quốc gia và dân tộc.
.
- Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã mấy lần nhấn mạnh không thể lấy 30 năm sau cải cách mở cửa để phủ định 30 năm trước dưới thời Mao Trạch Đông nắm chính quyền, nhưng đồng thời [Tập Cận Bình vẫn] đi con đường kinh tế của Đặng Tiểu Bình, và cũng có lúc hạn chế tiếng nói ca ngợi Mao Trạch Đông của dân chúng Trung Quốc. Có thể giải thích cách làm ấy như thế nào ?

- Tôi cho rằng « Thế hệ Đỏ thứ hai » [Ghi chú của người dịch :
[1] TQ Dân chủ Kiến quốc hội là một đảng phái dân chủ gồm các nhà trí thức và nhà kinh tế, tham gia chính quyền trong chế độ đa đảng và hiệp thương chính trị của ĐCSTQ ; lập 12/1945, hiện có hơn 110.000 đảng viên.
[2] Ý nói người thật thà nhưng dốt nát, bị người mình tín nhiệm lừa dối lợi dụng mà không biết.
[3] Tài sản âm : nguyên văn phụ tư sản 负资产(negative equity?), tạm hiểu là tài sản có giá trị thấp hơn giá trị khoản vay nợ dùng để mua nó ; tài sản mất giá, sút giá. 
[4] Thế hệ sau của các khai quốc công thần ; ở đây ý nói Tập Cận Bình. 
[5] Ý nói sự dàn xếp, dung hòa một cách vô nguyên tắc


*Nguyên văn đầu đề : Mao Trạch Đông là tài sản âm của ĐCSTQ
là những người trưởng thành dưới sự giáo dục của thời đại Mao Trạch Đông. Vì thế Mao Trạch Đông có ảnh hưởng lớn với họ. Có lẽ trong lòng họ đều vẫn còn một Mao Trạch Đông. Ngoài ra, sự hấp dẫn to lớn mê hồn của quyền lực là thứ rất khó ngăn chặn. Trong tình hình đó, tuy bản thân họ hoặc các thành viên gia đình đều từng là người bị Mao Trạch Đông làm hại, nhưng họ vẫn tôn Mao Trạch Đông làm thần thánh. 

Điều đó tạo nên một sự hạn chế lịch sử ở họ, khiến họ chỉ đứng trên góc độ ĐCSTQ mà không thể đứng trên góc độ lợi ích của toàn dân và quốc gia để nhìn nhận Mao Trạch Đông. Còn nói về chuyện nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay có đàn áp những nhân sĩ được gọi là « ủng hộ Mao » hoặc « Phái tả theo Mao » thì đó chỉ là một kiểu thuật cân bằng. Họ biết rằng nếu cao giọng tưởng nhớ Mao Trạch Đông thì sẽ vô cùng mất lòng người, vì thế bèn chỉ có cách dùng biện pháp trát bùn lỏng  một mặt không cho nói về tội ác của Mao Trạch Đông, mặt khác cũng không mong muốn những kẻ cao giọng tưởng nhớ Mao Trạch Đông có thể trở thành một thế lực. Bởi vì như vậy cũng là sự đe dọa chính quyền.
.
- Ông có cho rằng cuộc tranh luận về đánh giá công tội của Mao Trạch Đông sau đây sẽ càng kịch liệt hơn hay không ?
- Bởi lẽ rất nhiều vấn đề của Mao Trạch Đông đều còn chưa nói rõ ; [nếu] không có suy nghĩ lại [phản tư] thì các tài sản âm ấy trong di sản của Mao Trạch Đông sẽ tiếp tục tồn tại và sẽ phát sinh tác dụng trong cái thể chế này. Cuộc tranh luận đó sẽ tiếp tục.


Phỏng vấn Chương Lập Phàm/BBC tiếng Hoa
Nguyễn Hải dịch/ Blog Kim Dung 








Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên